Giám đốc USAID chỉ ra thách thức lớn Việt Nam phải vượt qua để chấm dứt bệnh lao

Với chiến lược toàn cầu mới nhất được công bố, USAID đang tăng cường nỗ lực và hợp tác với các đối tác để hỗ trợ các quốc gia trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, trong đó có Việt Nam.

Người dân tham gia vào Dự án khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Để tiến tới đạt mục tiêu này, Chương trình Chống lao Quốc gia đã huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là nhà tài trợ song phương hàng đầu trong cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu và đang tăng cường nỗ lực và hợp tác với các đối tác để hỗ trợ các quốc gia trong cuộc chiến này trong đó có Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, bà Aler Grubbs - Giám đốc USAID tại Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus để hiểu rõ hơn những hoạt động của USAID đang hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống và chấm dứt bệnh lao.

Thu hẹp khoảng cách trong chẩn đoán

- Xin bà cho biết những thách thức lớn nhất để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 là gì?

Bà Aler Grubbs: USAID là nhà tài trợ song phương hàng đầu trong cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu. Chúng tôi đã góp phần cứu sống hơn 75 triệu người trên khắp thế giới kể từ năm 2000. Với chiến lược toàn cầu mới nhất được công bố vào tháng 10 năm 2022, chúng tôi đang tăng cường nỗ lực và hợp tác với các đối tác để hỗ trợ các quốc gia trong cuộc chiến này trong đó có Việt Nam.

Tôi tin rằng thách thức lớn nhất mà Việt Nam vẫn phải đối mặt để chấm dứt bệnh lao là thu hẹp khoảng cách trong chẩn đoán vì chúng ta biết rằng khoảng 40% người mắc bệnh lao tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được phát hiện và đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế.

Như đã nêu rõ trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Hoa Kỳ-Việt Nam, cam kết chung của hai nước về chấm dứt bệnh lao là trụ cột chính trong quan hệ đối tác lâu dài của chúng ta.

USAID thể hiện sự cam kết hợp tác này và sẽ đạt được các mục tiêu chung của hai bên về hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Bà Aler Grubbs - Giám đốc USAID tại Việt Nam. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

- Hiện nay, USAID đang giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đó như thế nào thưa bà?

Bà Aler Grubbs: USAID đang tăng cường dịch vụ và nâng cao nhận thức về bệnh lao. Kể từ năm 2019, USAID đã hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia của Việt Nam để hướng tới các tác động lâu dài. Chúng tôi hỗ trợ tập trung vào ba lĩnh vực chính.

Đầu tiên, chúng tôi nâng cao năng lực phòng chống bệnh lao trong hệ thống y tế cả công và tư để sàng lọc, phát hiện, điều trị và phòng ngừa bệnh lao bằng cách sử dụng công nghệ và công cụ mới.

Thứ hai, chúng tôi cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ bệnh lao cho những người có nguy cơ tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Thứ ba, chúng tôi hỗ trợ Chương trình Chống lao Quốc gia của Việt nam và các đối tác liên quan đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng chống lao.

Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho 63 tỉnh

- Những năm qua, Chương trình Chống lao Quốc gia đã huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả. Trong đó, điển hình là Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao, do tổ chức FHI 360 phối hợp cùng Chương trình Chống lao Quốc gia thực hiện. Xin bà cho biết kết quả của Dự án đến nay đã đạt được như thế nào?

Bà Aler Grubbs: Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao do tổ chức FHI 360 phối hợp cùng Chương trình Chống lao Quốc gia thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Dự án đã hỗ trợ 9 tỉnh trọng điểm (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Khánh Hòa và Kiên Giang) triển khai chiến lược 2X, trong đó X-quang ngực là chỉ định đầu tiên, tiếp theo là xét nghiệm GeneXpert - một chiến lược mang lại hiệu quả cao cho việc phát hiện ca lao hoạt động và lao tiềm ẩn ở cả ở cộng đồng và cơ sở y tế.

Từ tháng 8/2020 đến 12/2023, thông qua Dự án đã có 17.861 ca lao và 9.894 người nhiễm lao tiềm ẩn đã được phát hiện, với hiệu suất phát hiện đạt 1.330/100.000 phim X-quang cao gấp 8 lần so với tỷ lệ mắc mới trên toàn quốc.

Với các kết quả này, dự án đã tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho 63 tỉnh của Chương trình Chống lao Quốc gia nâng cao năng lực triển khai chiến lược 2X phát hiện lao và lao tiềm ẩn thông qua các khóa tập huấn, giám sát hỗ trợ kỹ thuật, và hội chẩn lâm sàng.

Xe y tế lưu động của Dự án khám sàng lọc chụp X-quang để phát hiện sớm bệnh lao cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, để nâng cao năng lực mạng lưới phòng chống lao, dự án đã phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia xây dựng, cập nhật các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật quốc gia quan trọng như Quyết định 162/QĐ-BYT ngày 19/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao, các hướng dẫn về Phát hiện lao và lao tiềm ẩn, quản lý và điều trị lao kháng thuốc...

Đối với hoạt động hỗ trợ công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế, dự án đã hỗ trợ hoàn thiện và ra mắt phần mềm VITIMES phiên bản nâng cấp, nhằm đáp ứng đầy đủ các chức năng quản lý ca bệnh lao nhạy cảm, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn. Phiên bản này đã cung cấp các thông tin, dữ liệu kịp thời, giúp quản lý và hoạch định chính sách chương trình phòng chống lao hiệu quả.

Để đảm bảo bền vững chương trình phòng chống lao, Dự án đã hỗ trợ Chương trình Chống lao Quốc gia chuyển giao khám bệnh chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế. Dự án đã hỗ trợ xây dựng các chính sách quốc gia liên quan đến Bảo hiểm Y tế và hỗ trợ kỹ thuật trong triển khai tại 9 tỉnh ưu tiên để đảm bảo 100% cơ sở y tế được kiện toàn và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh lao qua Bảo hiểm Y tế.

Toàn xã hội nên cùng nhau hợp tác

- Bà có thể cho biết, trong thời gian tới, USAID tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống lao tại Việt Nam những điểm trọng tâm gì?

Bà Aler Grubbs: Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các cấp trong hệ thống y tế để tiếp cận những người dễ bị tổn thương và đảm bảo các dịch vụ chất lượng cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên sâu cho y tế công, tư và cộng đồng ở những khu vực có gánh nặng bệnh lao cao đồng thời chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đưa ra các kinh nghiệm và sáng kiến tốt nhất mang lại lợi ích cho công tác phòng chống lao tại tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam.

Thông điệp chính của chúng tôi là toàn xã hội nên cùng nhau hợp tác để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Chúng ta phải giảm bớt nỗi sợ hãi và kỳ thị về bệnh lao, một căn bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Nếu bạn có các triệu chứng hoặc sống chung với người mắc bệnh lao gần đây, đừng sợ hãi. Hãy đi xét nghiệm và làm theo lời khuyên của nhân viên y tế để bạn không mắc bệnh lao.

Bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng khi tất cả chúng ta cam kết sàng lọc, điều trị và phòng ngừa sớm thì chúng ta có thể giữ được mạng sống của chúng ta. Đúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giam-doc-usaid-chi-ra-thach-thuc-lon-viet-nam-phai-vuot-qua-de-cham-dut-benh-lao-post936077.vnp