Giám đốc điều hành MRC: Luôn giữ 'tinh thần Mekong'

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC), luôn khắc ghi 'tinh thần sông Mekong' mà Ủy hội đã tạo lập và vun đắp từ hơn 20 năm nay.

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành MRC

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành MRC

Ông Phạm Tuấn Phan chính thức giữ chức Giám đốc điều hành Ban thư ký của MRC kể từ 18/1/2016.

Đây là lần đầu tiên MRC lựa chọn Giám đốc điều hành từ một trong 4 nước thành viên (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Động thái này cũng là một trong những nỗ lực của MRC trong việc tái cơ cấu về mặt tổ chức như chuyển giao và tự chủ để trở thành tổ chức tự chủ vào năm 2030.

Ông Phạm Tuấn Phan vừa có một số ý kiến, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về hoạt động của MRC trong bối cảnh các nước thuộc MRC đang đối mặt với tình trạng thiếu nước:

21 năm trước, vào ngày 5/4/1995, chính phủ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong nhằm "hợp tác trong tất cả các lĩnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mekong, bao gồm các lĩnh vực chính sau: tưới, thủy điện, giao thông thủy, kiểm soát lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch để đạt được mức tối ưu việc sử dụng đa mục tiêu và cùng có lợi cho tất cả các quốc gia ven sông và giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại gây ra bởi các hiện tượng tự nhiên và các hoạt động của con người".

Hiệp định này là cơ sở để các nước thành viên của MRC hợp tác trên tinh thần xây dựng và cùng có lợi để phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mekong.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, MRC không chỉ là cơ quan quản lý đơn thuần mà còn là một tổ chức liên chính phủ nhằm cung cấp nền tảng cho hợp tác khu vực trong việc quản lý các nguồn tài nguyên liên quan tới nước vì sự phát triển bền vững khu vực hạ lưu sông Mekong.

Để tạo cơ sở hợp tác, MRC đưa ra những quy trình chính thức về hợp tác nguồn nước giữa các quốc gia thành viên. Một trong 5 Quy trình – PNPCA (Quy trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận) nhằm đưa ra các bước đi cần thiết cho các quốc gia thành viên để thiết lập các quy tắc cho việc sử dụng nguồn nước và sự chuyển dòng liên lưu vực cũng như tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các thành viên.

Nếu một nước thành viên định xây dựng dự án trên cả nhánh và dòng chính thì cần phải thông báo cho Ủy ban liên hiệp của Ủy hội (MRC JC) thông qua Ban thư ký MRC. Dự án này cũng cần được thông qua một quy trình kỹ lưỡng trong PNPCA. Một số dự án phát triển, như chuyển nước giữa các lưu vực sông chính trong mùa mưa và trong các lưu vực phụ trong mùa khô, sẽ phải qua một quy trình Tham vấn trước. Điều đó sẽ thúc đẩy các nước thành viên phải thực hiện quy trình thông báo. Trong trường hợp các nước không thông báo trước, MRC JC sẽ yêu cầu các Ủy ban sông Mekong quốc gia (NMC) có liên quan thực hiện nghĩa vụ của mình theo PNPCA .

Với nỗ lực tự chủ về tài chính trước năm 2030, MRC đang chuyển đổi từ một tổ chức chủ yếu được cấp vốn bởi các đối tác phát triển thành một tổ chức nhỏ hơn và do các nước thành viên tài trợ. Theo đó, tập trung vào các chức năng cốt lõi: dịch vụ hợp tác, quản lý lưu vực sông cốt lõi (CRBMFs), tư vấn và dịch vụ tư vấn.

Điều này được thực hiện theo lời kêu gọi của Thủ tướng 4 nước thành viên trong cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên của Ủy hội được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 4/2010 cùng những người đặt nền tảng cho các cải cách của Ủy hội. Những định hướng được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất và tái khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại TPHCM, Việt Nam hồi tháng 4/2014 bao gồm: huy động đủ vốn từ các nước thành viên trước năm 2030; phân chia các chức năng cốt lõi của tổ chức cho các nước thành viên dựa trên nguyên tắc bổ trợ; thay đổi Ban thư ký Ủy hội thành một tổ chức gọn nhẹ hơn tập trung vào chức năng cốt lõi của MRC. Những bước đi này tạo nên một chương trình cải cách sâu rộng đối với MRC.

Động thái này giúp hoạt động của MRC hiệu quả hơn trong việc tập trung vào các chức năng cốt lõi là quản lý sông.

Là giám đốc điều hành, tôi tâm niệm mình luôn khắc ghi “tinh thần sông Mekong” mà Ủy hội đã tạo lập và vun đắp từ hơn 20 năm nay với Hiệp ước hợp tác về quản lý nguồn nước ở hạ nguồn lưu vực sông Mekong nhằm phát triển bền vững và quản lý các tài nguyên chung.

Tôi muốn thúc đẩy hơn nữa “tinh thần” này dưới “góc độ khu vực” hơn là chỉ dừng lại ở quan điểm quốc gia để tăng cường hợp tác và đối thoại khu vực giữa các nước thành viên và xa hơn nữa.

Lam An (ghi)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/giam-doc-dieu-hanh-mrc-luon-giu-tinh-than-mekong/252039.vgp