Giám đốc công nghệ Uber: 'Khởi nghiệp đừng ngại thử, sợ thua'

Ông Thuận Phạm, Giám đốc công nghệ của Uber vừa về Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm với giới khởi nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM.

Sau buổi nói chuyện tại Hà Nội, CTO của Uber đã có mặt tại TP.HCM sáng 27/7 để gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp thông qua màn dẫn dắt của CEO VNG Lê Hồng Minh.

"Tôi không còn nhận ra Việt Nam của 17 năm trước, khi lần đầu về nước. Khi đó, tôi mượn xe đạp của người chú, thăm thú trường cũ, nhà cũ và nhiều nơi khác. Nhưng hôm nay, tôi nhận ra tất cả đã thay đổi từ đường sá cho đến việc phát triển hạ tầng, điện năng... Và về cơ bản, tất cả đang được hiện đại hóa", ông Thuận dùng phong cách "đặc" Mỹ khi nói về sự thay đổi của TP.HCM, dùng từ "amazing" (đáng kinh ngạc) khi nói về diện mạo của quê hương sau nhiều năm trở lại.

Ông Thuận Phạm, CTO của Uber và ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG trong buổi nói chuyện trước giới startup tại TP.HCM sáng 27/7. Ảnh: Xuân Thành.

Ông Thuận Phạm, CTO của Uber và ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG trong buổi nói chuyện trước giới startup tại TP.HCM sáng 27/7. Ảnh: Xuân Thành.

"Dường như công nghệ đã góp phần thay đổi mọi thứ nhanh hơn, nó thay đổi cách chúng ta sống. Với Uber cũng vậy. Không còn gọi tài xế qua sóng radio và điện thoại, thay vào đó là phần mềm máy tính giúp chúng ta dễ dàng kết nối, biết trước giá và lộ trình. Những công nghệ mới giúp thành phố tiến về phía trước nhanh hơn, kéo mọi người vào một nền kinh tế dựa trên sự chia sẻ", CTO của Uber chia sẻ.

Khi được hỏi về cách để các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển được như Uber, về công nghệ và nhiều thứ khác, ông Thuận Phạm cho rằng điều quan trọng nhất đối với một startup là dám thử những điều mới, không chờ đợi và dám đón nhận mọi vấn đề, kể cả thất bại, để rút ra bài học và tiếp tục tiến lên.

Đi đôi với việc "thử làm mới", giám đốc công nghệ của Uber cũng khuyên các startup tại Việt Nam tập trung vào phát triển sản phẩm và giải quyết được những nhu cầu của xã hội "càng sớm càng tốt".

"Đừng nghĩ rằng lập startup vì có trong tay vài công nghệ gì to bự, hãy khởi nghiệp khi bạn cảm thấy cần phải giải quyết một vấn đề nào đó. Nếu làm tốt, người dùng sẽ truyền tai nhau ủng hộ và sẽ có người đầu tư cho công ty của bạn. Ngoài ý chí muốn làm điều đó, cần có tinh thần không e ngại thất bại", ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Thuận lấy ví dụ ngay chính Uber, với 40 kỹ sư ban đầu, công ty này chỉ giải quyết "bài toán" dùng công nghệ để chống nạn kẹt xe, tác hại môi trường từ các phương tiện giao thông. Từ chỗ chỉ có mặt ở 60 thành phố, Uber nay đã lan tỏa đến 400 thành phố lớn trên toàn cầu, giá trị công ty tầm 62 tỷ USD.

Từ hàng ghế khán giả, đại diện một startup hỏi về cách phát triển một công ty công nghệ tại Việt Nam, vì so với thung lũng Silicon và phương Tây, các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn.

Trả lời câu hỏi này, CEO VNG Lê Hồng Minh cho rằng khởi nghiệp ở Việt Nam có giống và có khác so với các nước phát triển. "Giống nhau ở chỗ chúng ta đều dùng công nghệ để giải quyết vấn đề của cuộc sống, nhìn ra cơ hội và cạnh tranh. Cơ hội rất nhiều và quan trọng là hãy cứ bắt tay vào làm", ông Minh chia sẻ. CEO của VNG cũng cho rằng so với Mỹ, chúng ta có những khác biệt.

"Khác biệt lớn nhất là nguồn lực. Ở thung lũng Silicon có hàng ngàn kỹ sư giỏi, giàu kinh nghiệm đang làm việc cho những công ty hàng đầu như Google, Microsoft, Facebook... Các công ty khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư hàng triệu, hàng tỷ USD và có sẵn những công nghệ và tinh thần - văn hóa làm chủ", ông Minh nói.

CEO VNG cho rằng có nhiều thứ họ có mà chúng ta không có ở Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn có thể "nấu những món ngon" dựa trên những gì đang có. Về cơ bản, dù là công ty ở Mỹ hay ở Việt Nam, chúng ta đều đối mặt với những vấn đề khá giống nhau như con người, công nghệ... Ở Mỹ, các công ty có thể mất 5 năm để giải quyết, thì ở Việt Nam nếu quyết tâm và chăm chỉ có thể làm được trong 7-10 năm.

Ở góc nhìn của người làm công nghệ tại Mỹ, CTO Uber Thuận Phạm cũng cho rằng không thể mong chờ Việt Nam có ngay một thung lũng Silicon như Mỹ. Ở vị thế xuất phát sau, Việt Nam cần có những trường đại học chất lượng, những kỹ sư tài năng, đóng góp những ý tưởng và cách làm mới, từ đó có những startup có giá trị, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp... và mọi việc phải từng bước chứ không có đường tắt.

Duy Tín

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giam-doc-cong-nghe-uber-khoi-nghiep-dung-ngai-thu-so-thua-post766401.html