Giám đốc BOT Tiền Giang: BOT 'thất thủ' vì tài xế 'cố tình không hiểu'

Để tiếp tục phản đối vị trí đặt trạm và mức phí tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang), tối 13/8, các tài xế đã mang heo quay đến 'cúng trạm' và tiếp tục trả phí bằng tiền lẻ. Hàng chục cảnh sát cơ động, CSGT đã được điều đến để đảm bảo an ninh trật tự.

Dùng heo để "cúng trạm"

Vào khoảng 17h ngày 13/8, một đoàn xe khoảng 50 chiếc từ TP. HCM hướng đến trạm Cai Lậy và dừng lại, khiến quốc lộ 1 kẹt xe 2 đầu, đoạn ùn tắc kéo dài đến 3km.

Các tài xế đã bàn với nhau mua một con lợn quay nặng khoảng 15kg để đưa đến trạm thu phí thắp nhang, cúng trạm.

Nhiều tài xế mang heo quay đến "cúng trạm".

Chủ một dịch vụ du lịch nói: "Chúng tôi phản đối vị trí thu phí sai. Trong lúc tài xế thắp nhang, xe kẹt hai đầu khoảng 3 km nên BOT Cai Lậy xả trạm hơn nửa giờ. Đến hơn 18h, họ thu phí trở lại. Chúng tôi tiếp tục chia thành 3 tốp để dùng tiền lẻ lần lượt qua trạm để về Sài Gòn trong đêm nay".

Trước tình trạng ùn ứ xảy ra nghiêm trọng, trạm thu phí buộc phải xả trạm khoảng 30 phút để giải tỏa bớt các phương tiện giao thông. Lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang cũng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông.

Mặc dù vậy, nhưng khoảng 30 phút sau tình trạng ách tắc lại tái diễn. Đoàn dài xe nhích từng tí một. Nhiều tài xế lái xe qua trạm với tốc độ "rùa bò" và liên tục phản ứng với lực lượng thanh tra giao thông ra do tái diễn tình trạng các tài xế dùng tiền lẻ.

Đến 20h cùng ngày, các xe đã rời đi, mọi người giải tán, trạm thu phí hoạt động bình thường. Tuy nhiên tạm thời không thu phí các loại xe khi lưu thông qua trạm. Lượng xe bị ùn ứ đã giảm.

Tài xế tiếp tục dùng những tờ tiền có mệnh giá từ 200-500 đồng để trả phí BOT.

Không sử dụng nhưng vẫn phải nộp phí

Một tài xế cho biết: "Hàng năm tôi đã nộp phí bảo trì đường bộ, vậy tại sao phải nộp phí BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, trong khi tôi không sử dụng tuyến tránh này?"

Người này cho rằng, chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh nhưng đặt trạm thu phí trên QL1 là điều bất hợp lý. "Tôi đề nghị chủ đầu tư, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang phải giải quyết thỏa đáng việc này".

Theo tài xế này, mức phí dao động từ 35.000 - 180.000 đồng là rất cao. Trong khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu có 40.000 đồng, có mấy làn xe và chạy được vận tốc 120km, thì tuyến tránh Cai Lậy chỉ có 2 làn xe mà đường cũng xấu hơn, lấy gì thu mức phí như vậy được?

Tình trạng ùn ứ xảy ra nhiều giờ đồng hồ.

Ông Nguyễn Việt Thắng (một tài xế trú tại TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) bức xúc nói: “Phí qua trạm rất cao so với quãng đường làm, một tuần tôi đi qua tuyến đường này 3 – 4 lần, chủ yếu chở nông sản lên TP. HCM tiêu thụ.

Tôi yêu cầu nên giảm giá xuống chứ giá này thì buộc lòng các doanh nghiệp phải tăng thêm phí vận chuyển thì người dân phải chịu thiệt thòi còn nếu không thì nên dời trạm này sang tuyến đường tránh TX.Cai Lậy.”

Theo ông, trường hợp đau ốm bệnh tật, di chuyển qua trạm này gặp tình trạng kẹt xe cả giờ đồng hồ thì vất vả lắm…

Mức phí chỉ "hơi cao"

Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) giải thích: "Về vị trí đặt trạm đã được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý và Bộ GTVT với Bộ Tài chính đồng thuận. Còn mức phí thì chủ đầu tư BOT Tiền Giang không có quyền tự áp đặt cho từng loại xe mà do hai bộ liên quan ban hành kèm theo thông tư 30/2016 của Bộ Tài chính và 35/2016 của Bộ GTVT.

"Trạm Cai Lậy thu phí 6 năm 4 tháng 29 ngày, bắt đầu từ 1/8. Mức phí đang thu do Bộ Tài chính và GTVT ban hành, BOT không tham mưu, đề xuất để xây dựng mức giá và chúng tôi chỉ thực hiện nên không dám nói cao hay thấp", ông Hiệp

Theo ông, việc ùn tắc cục bộ tại trạm hiện nay là do một bộ phận nhỏ tài xế "cố tình không hiểu" việc nhà đầu tư vừa xây mới đường tránh vừa trải nhựa tăng cường mặt đường 26,5 km quốc lộ từ thị xã Cai Lậy qua huyện Cai Lậy và đến huyện Cái Bè. Do đó, vài tài xế đã chuẩn bị tiền lẻ để mua vé, đếm tiền chậm để kéo dài thời gian qua trạm khiến xe ùn ứ.

Khung cảnh hỗn loạn xảy ra tối 13/8.

Liên quan vụ việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết khi BOT Tiền Giang đang triển khai thì tỉnh có cảnh báo tình trạng ùn tắc tại trạm Cai Lậy vì lượng ôtô chạy trên quốc lộ 1 qua địa phương này rất nhiều. Từ đó, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp với nhà đầu tư để tránh ùn tắc.

"UBND tỉnh nhiều lần cảnh báo chứ không phải đến giờ mới nói. Trạm mới triển khai thu phí thì có thể chưa ổn định, xảy ra kẹt xe cục bộ. Tỉnh có chỉ đạo Sở GTVT cùng cảnh sát giao thông và chủ đầu tư làm sao để không cho ùn tắc, nếu ùn tắc phải xả trạm cho xe đi", ông Tuấn nói.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết so với đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM thì mức phí tại trạm Cai Lậy "hơi cao". Theo ông Bon, giá thấp nhất hiện nay là 35.000 có thể giảm xuống 25.000 đồng; cao nhất 180.000 giảm còn 150.000 đồng hoặc tỷ lệ tương ứng.

Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói: "Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở trạm BOT này".

Lý giải về việc BOT thu phí cao, ông cho rằng do nhà đầu tư phải vay vốn từ ngân hàng để làm, rồi phải trả lãi suất ngân hàng chứ không sử dụng ngân sách nhà nước. Còn tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đã làm từ lâu, lại sử dụng vốn vay ODA để đầu tư. Do đó, việc so sánh mức phí của 2 tuyến đường này là khập khiễng.

Phải đến 20h đám đông mới được giải tán.

Ông cho rằng, UBND tỉnh Tiền Giang phải thuyết phục, tuyên truyền đến người dân. Việc nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 và đường tránh ở Tiền Giang, ngân sách không có kinh phí, chủ đầu tư phải vay tiền để thực hiện, do đó họ phải thu phí hoàn vốn theo đúng quy định được các bộ, ngành phê duyệt. Người dân cần đồng tình ủng hộ chủ trương này.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.

Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.

Theo kế hoạch, sáng 14/8, Cục trưởng Cục đường bộ sẽ làm việc với chính quyền tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp khắc phục, không để tình trạng kể trên tái diễn.

P.V (tổng hợp)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/giam-doc-bot-tien-giang-bot-that-thu-vi-tai-xe-co-tinh-khong-hieu