Giảm dần đầu tư công trong phân bổ ngân sách

(baodautu.vn) Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư xung quanh vấn đề đổi mới phân bổ ngân sách.

Thưa ông, Chính phủ chủ trương đổi mới phân bổ ngân sách gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên rót ngân sách cho những dự án trọng tâm, trọng điểm. Điều này được thể hiện trong phương án phân bổ ngân sách năm 2012 chưa hay vẫn dàn trải?

Phương án phân bổ ngân sách mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua, theo tôi đã có một số cải tiến.

Thứ nhất, vốn trái phiếu chính phủ đã được giao trung hạn, chứ không phải giao từng năm một hay giao theo chương trình như trước nữa.

Thứ hai, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội chỉ đầu tư những công trình trọng điểm, có khả năng hoàn thành trong năm 2012, cùng lắm là năm 2013. Như vậy, phân bổ ngân sách đang theo hướng giảm dần đầu tư công. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta yếu như hiện nay, dù giảm đầu tư công, nhưng không thể giảm tổng đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, tôi cho rằng, với các dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia đầu tư thì Chính phủ cần ban hành các cơ chế để thu hút vốn đầu tư của DN qua các hình thức như BOT, PPP… Một hướng nữa là, với các công trình, dự án quốc gia đã làm trong nhiều năm qua, nhưng vận hành chưa tốt, có thể giao cho DN khai thác để trả lại vốn cho Chính phủ, trừ một số dự án phục vụ đời sống dân sinh, không có hiệu quả kinh tế trước mắt.

Liệu việc lựa chọn dự án bị cắt giảm đầu tư có gặp rào cản từ tâm lý cục bộ địa phương không?

Đây chính là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đang bàn thảo rất nhiều. Chẳng hạn, kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ từ nay đến năm 2012 chỉ có 225.000 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn trái phiếu chính phủ để cân đối cho các công trình đang triển khai từ nguồn vốn chính phủ lên tới 600.000 tỷ đồng.

Chính phủ đang bàn về tiêu chí cắt giảm, những công trình được ưu tiên vốn là những công trình tương đối trọng điểm, đã chi quá 2/3 vốn thì cần phải chi tiếp để hoàn thành ngay. Thế nhưng, ngay cả những công trình này thì số lượng cũng rất nhiều. Làm thế nào để ban hành những tiêu chí thật chuẩn để tiếp tục bố trí vốn là vấn đề khó, song cần phải làm ngay.

Dư luận cho rằng, vốn ngân sách đang được rót tràn lan, không hiệu quả cho các chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi giai đoạn 2011-2015, Chính phủ vẫn đề xuất tới 16 chương trình mục tiêu?

Đây chính là vấn đề nóng bỏng diễn ra trong một thời gian dài khá dài. Các chương trình mục tiêu quốc gia liên tục tăng. Hầu hết vốn của các chương trình mục tiêu này, các địa phương đều trông chờ ngân sách phân bổ, tính chủ động là không có.

Không có vốn thực hiện chương trình đã đành, thậm chí, nhiều khi có vốn các địa phương cũng không tiêu được do vốn phân bổ quá ít, quá nhỏ giọt, không đáp ứng được tiêu chí chi tiêu để kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, với 16 chương trình mục tiêu quốc gia và hơn 30 chương trình hỗ trợ các mục tiêu hiện nay, tôi đề nghị cần lồng ghép lại chỉ khoảng dưới 10 chương trình mục tiêu. Khi phân bổ vốn cho các địa phương, cần giao vốn trung hạn, khoảng 3-5 năm. Cùng với đó, phải có cơ chế giao lãnh đạo, đảng bộ tỉnh chịu trách nhiệm chi tiêu, thực thi các chương trình mục tiêu này, nếu không hoàn thành, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietchungkhoan/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/chungkhoan/binhluannhandinh/6028f7f87f00000101d08f7dcdfeb1de