Giảm chi phí, nâng chất lượng các dự án giao thông

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trong việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chung của mỗi địa phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Các dự án giao thông luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, do vậy, việc giảm chi phí, nâng chất lượng sẽ góp phần tăng hiệu quả đầu tư các dự án giao thông.

Cải tạo, sửa chữa Quốc lộ 2C trên địa bàn xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch

Cải tạo, sửa chữa Quốc lộ 2C trên địa bàn xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch

Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ liền kề với thủ đô Hà Nội. Mạng lưới giao thông của tỉnh được quy hoạch đầu tư phát triển theo mô hình hướng tâm kết hợp vành đai và được phân cấp kỹ thuật, cấp quản lý dựa trên chức năng của từng tuyến.

Tổng chiều dài đường bộ, đường sắt và đường thủy có hơn 7.100 km. Trong đó, đường cao tốc trên 40 km; đường quốc lộ gần 90 km; đường tỉnh gần 450 km; đường đô thị trên 250 km; đường chuyên dùng 9 km, còn lại là đường giao thông nông thôn.

Để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc hiện tại và thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai. Tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông với hàng loạt các dự án trọng điểm trong mạng lưới giao thông đã được quy hoạch.

Có thể kể đến như đường vành đai 3; đường nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; đường nối từ đường Hợp Châu-Đồng Tĩnh đi Khu danh thắng Tây Thiên; đường từ cầu Phú Hậu đi QL2; xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc-Phú Thọ…

Trong năm 2021, nguồn vốn giao cho dự án đầu tư các công trình giao thông bao gồm cả nguồn vốn kéo dài là hơn 1.300 tỷ đồng. Năm 2022, chỉ tính riêng nguồn vốn phân bổ cho đầu tư các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, giao thông trọng điểm ngân sách tỉnh quản lý đã trên 1.400 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng nguồn vốn kế hoạch năm. Chưa tính đến các dự án giao thông thuộc nguồn vốn cấp huyện, cấp xã quản lý.

Mặc dù được đầu tư lớn, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn một cách tổng thể quá trình triển khai đầu tư các công trình, dự án giao thông vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chẳng hạn như một số tuyến được mới hoàn thành, đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu hư hỏng; nhiều tuyến đường chưa hỏng hóc đã cải tạo sử chữa trong khi có tuyến giao thông đã hư hỏng xuống cấp cả chục năm vẫn chưa được đầu tư.

Một số dự án chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tỷ lệ giải ngân thấp, phải điều chỉnh, điều chuyển nguồn vốn trong kế hoạch. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn…dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa, gia tăng dân số, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế một số công trình chưa đảm bảo, phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần; năng lực một số nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng chưa cao, còn chưa chấp hành nghiêm các quy định về quản lý chất lượng công trình…

Để khắc phục những tồn tại trên, nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư các dự án giao thông tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư dự án, nhất là Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình giao thông từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu quản lý vận hành khai thác. Trong quá trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán phải kiểm soát kỹ hồ sơ khảo sát (địa hình, địa chất, thủy lực, thủy văn,…), điều kiện năng lực của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn.

Củng cố, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực.

Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác quản lý chất lượng, quản lý chi phí đầu tư các công trình giao thông thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền theo quy định…

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77892/giam-chi-phi-nang-chat-luong-cac-du-an-giao-thong.html