Giảm bớt gánh nặng cho học sinh

Chỉ còn ít ngày nữa là các trường phổ thông trong thành phố tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018. Bên cạnh các khoản tiền phải nộp đầu năm, một số quy định riêng về đồng phục, dụng cụ học tập... của một số trường cũng đang gây phiền hà bởi tạo thêm gánh nặng tài chính cho không ít gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Chỉ còn ít ngày nữa là các trường phổ thông trong thành phố tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018. Bên cạnh các khoản tiền phải nộp đầu năm, một số quy định riêng về đồng phục, dụng cụ học tập... của một số trường cũng đang gây phiền hà bởi tạo thêm gánh nặng tài chính cho không ít gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Học sinh mặc đồng phục không chỉ thể hiện sự bình đẳng giữa các em trong độ tuổi học trò, nâng cao ý thức trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào đối với ngôi trường đang học, mà còn góp phần xây dựng nền nếp sinh hoạt, học tập, rèn luyện nếp sống văn minh cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đồng phục học sinh, sinh viên phải bảo đảm tính thẩm mỹ, hợp giới tính, lứa tuổi; phù hợp bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời phải bảo đảm tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường. Ðồng phục phải giản dị, tiết kiệm, phù hợp điều kiện kinh tế, thời tiết, khí hậu từng vùng, từng mùa; thuận tiện cho học sinh cả khi học tập, vui chơi giải trí hoặc tham gia các sinh hoạt, hoạt động khác... Việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng nhà trường và sự thống nhất của hội cha mẹ học sinh. Mẫu đồng phục trong trường học phải đơn giản; nhà trường phải tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục theo mẫu. Tuyệt đối không tự ý thay đổi đồng phục. Nếu có thay đổi cần báo trước và phải được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong trường. Không bắt buộc học sinh phải may đồng phục mới vào đầu năm học... Ngoài quy định về đồng phục, chưa thấy văn bản của cơ quan quản lý nhà nước quy định về dụng cụ học tập khi đến trường như bút, mầu mực, mầu giấy bao tập (vở)...

Tại TP Hồ Chí Minh, mặc đồng phục đến trường đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của rất nhiều thế hệ học sinh. Những năm gần đây, nhiều trường phổ thông trong thành phố có những quy định riêng về đồng phục. Sự khác biệt về mầu sắc, kiểu dáng tuy có tạo sự thuận lợi trong việc nhận biết học sinh của từng trường, thậm chí từng khối trong trường nhưng nhìn chung thì chức năng này không thật sự cần thiết mà đôi khi còn gây ra khó khăn, phiền hà cho các em, nhất là với những học sinh gia đình còn gặp khó khăn bởi không thể mua ngoài thị trường. Trong nhiều gia đình, các em không thể dùng lại đồng phục của anh, chị dù còn mới, tốt nhưng khác mầu, khác kiểu. Ngoài đồng phục, không ít trường tiểu học, trung học cơ sở còn quy định rất chi tiết về dụng cụ học tập như giấy bao tập phải thống nhất theo mẫu in sẵn của trường hoặc tập của từng môn học phải bao bằng các mầu giấy khác nhau... Cha mẹ học sinh của một trường trung học cơ sở còn phàn nàn: Con vào lớp 6, thầy chủ nhiệm yêu cầu phải mua máy tính cầm tay của một thương hiệu cụ thể, để thống nhất với các bạn khác trong trường, trong lớp!...

Mầu, kiểu dáng đồng phục và những dụng cụ học tập thông thường không phải là những yếu tố để học sinh học giỏi hơn, làm nên "danh tiếng" của nhà trường. Ðiều học sinh, cha mẹ các em và xã hội mong muốn là ban giám hiệu nhà trường, các thầy, cô giáo đổi mới phương pháp truyền thụ, nâng cao chất lượng giảng bài trên lớp, tạo những điều kiện tốt nhất để học sinh học tập tốt, rèn luyện, trưởng thành; cuối năm, cuối cấp có kết quả cao. Chất lượng dạy và học tốt, môi trường giáo dục thân thiện, các khoản đóng góp hợp lý mới thật sự là những yếu tố cốt lõi xây dựng danh tiếng của trường, trở thành niềm tự hào của các em khi nhắc đến ngôi trường thân yêu của mình.

HÀ MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33922302-giam-bot-ganh-nang-cho-hoc-sinh.html