Giảm áp lực lạm phát

Các số liệu về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã được công bố cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước.

Mặc dù con số thống kê cho thấy lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng hiện nay, các yếu tố trong - ngoài đều có tác động làm gia tăng lạm phát. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao nên không thể tránh khỏi nhập khẩu lạm phát thông qua ảnh hưởng tăng giá nhiên, nguyên vật liệu các ngành sản xuất thế giới từ quý III/2022 và kéo dài đến năm 2023.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C.

Tổng Cục Thống kê chỉ ra, giá thuê nhà tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 - 2023 đã làm cho chỉ số CPI tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước. Trong 10 tháng năm nay, giá xăng, dầu được điều chỉnh 28 đợt, trong đó có 12 đợt giảm giá. Tuy nhiên, tính bình quân 10 tháng năm nay, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng, dầu trong nước tăng 36,01%, tác động làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm.

Bình quân 10 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, kinh tế trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng dần khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước đang ngày càng tăng cao. Áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 từ bất ổn địa – chính trị toàn cầu và sự thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung khiến chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng.

Với tình hình diễn biến giá cả trong nước và quốc tế hiện tại, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022, đồng thời tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu… Theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng, dầu trong nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng xăng, dầu nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và giá dịch vụ y tế cho phù hợp, cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát.

Đặc biệt, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.

Áp lực lạm phát gia tăng sẽ thu hẹp dư địa chính sách về tiền tệ. Trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Biên độ tỷ giá VND/USD cũng đã được điều chỉnh từ +/- 3% lên mức +/- 5%. Những chính sách của NHNN, cụ thể là nới biên độ tỷ giá và tăng lãi suất điều hành 2 lần – có thể đi trước một bước để tạo dư địa cho sự điều chỉnh các chính sách linh hoạt khi có những biến động từ thị trường thế giới.

Để giảm áp lực lạm phát và hướng tới tăng trưởng bền vững, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng, với giải ngân đầu tư công – lĩnh vực cung cấp vốn trực tiếp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế – là chỗ dựa cho tăng trưởng khi Việt Nam siết chặt chính sách tiền tệ. Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao; nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao… Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-ap-luc-lam-phat.html