Giải tỏa sức ép cho giáo viên tiểu học

Việc có thêm một bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ đối với HS lớp 4, 5 sẽ góp phần gúp các em chuẩn bị tâm thế để chuyển lên bậc THCS vốn có mật độ làm bài kiểm tra nhiều hơn.

Phát huy vai trò của tổ chuyên môn

Thầy Nguyễn Lâm – Trưởng phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - nhận xét: “Việc Thông tư 22 thêm một mức độ đánh giá sẽ giúp GV dễ phân loại HS, tỉ lệ chính xác cao hơn. Trước đây, với Thông tư 30, chỉ có 2 mức đánh giá nên trong lời nhận xét của nhiều GV không thấy được sự khác biệt giữa HS hoàn thành vượt mức so với chuẩn kiến thức kỹ năng và HS chỉ ở mức độ đạt chuẩn. Cái quan trọng nhất là nhận xét, đánh giá của GV trong suốt cả quá trình dạy học phải tương thích với điểm số cuối kỳ của HS”.

Từ thực tế kiểm tra tại một số đơn vị trường học trong quá trình thực hiện Thông tư 30, vẫn có tình trạng lời nhận xét, đánh giá của GV trong suốt cả quá trình dạy học lại không tương thích với điểm số cuối kỳ của HS nên “tính thuyết phục không cao”. Nguyên nhân của tình trạng này, theo như phân tích của cô Trần Thị Sáu, là do GV không bám sát HS, “luyện đề trước cho HS”, hoặc cũng có thể là GV ghi lời nhận xét trước để sớm hoàn thành hồ sơ sổ sách.

Trước đây, với Thông tư 30, mỗi GV tự xây dựng đề kiểm tra cuối kỳ để phù hợp với đặc điểm đối tượng HS. “Đây là “tính mở” của Thông tư nhưng khi áp dụng vào thực tế, có những GV phát đề cương ôn tập cho HS, luyện đi luyện lại một số dạng bài gần giống với đề kiểm tra dẫn đến kết quả bài thi của HS rất cao nhưng lại “lệch” hơn so với quá trình học tập của các em” – thầy Trần Tám, Hiệu trưởng Trường Bạch Đằng nhận xét. “Nếu giao quyền tự chủ cho GV, giao luôn cả đánh giá chất lượng cho GV nhưng không phải GV nào cũng thoát khỏi áp lực điểm số theo nếp cũ nên trong đánh giá chất lượng không phải lúc nào cũng sát với thực tế”.

Cùng quan điểm đó, cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng cho biết, nhà trường sẽ giao cho tổ trưởng tổ chuyên môn chịu trách nhiệm thẩm định đề kiểm tra của mỗi GV, Ban Giám hiệu sẽ chọn lọc từ các đề do tổ chuyên môn gửi lên để vừa đảm bảo yêu cầu của cấu trúc đề, vừa đảm bảo yêu cầu đánh giá trên một mặt bằng chung nhưng vừa phù hợp với tiêu chí đánh giá phù hợp với đối tượng HS.

Khen đúng và khen cụ thể

Từ thực tế qua hai năm triển khai đánh giá, nhận xét theo Thông tư 30, trong giao Ban Giám hiệu khối tiểu học, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hải Châu đã nêu một thực tế rằng vẫn có hiện tượng “GV nhận xét trên vở HS quá dài dòng, cách nhận xét là để cho phụ huynh đọc chứ không phải nhận xét để HS chỉnh sửa những sai sót”.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cũng cho rằng, có không ít GV, trong những giờ học thực tế thì ít khen HS để khuyến khích, nhưng trong những giờ dạy có dự giờ, thăm lớp thì rất hào phóng lời khen. “Đây là một vấn đề cần phải được điều chỉnh. Với Thông tư 22, việc đánh giá, nhận xét HS đã được tường minh hơn, không còn định tính mơ hồ nữa mà đã có sự định lượng rõ ràng nên GV cần nhận xét đúng thực tế, nên dùng những lời khen phù hợp và cần khuyến khích học sinh trên quan điểm công bằng và khách quan”.

Chính vì vậy, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, Trường Tiểu học Núi Thành đã quán triệt đến từng GV cần phải dùng ngôn ngữ khen, chê chuẩn mực. Ví dụ như khi HS phát biểu không đúng, GV cũng không nên nhận xét “em sai rồi” mà có những hình thức diễn đạt phù hợp để HS không bị mặc cảm nhưng vẫn nhận ra được những lỗ hổng kiến thức của mình. Vốn từ của GV khi khen HS cũng là một vấn đề được đặt ra để HS không bị “nhờn” trước những lời biểu dương. Và nhất thiết, việc nhận xét là để động viên, khuyến khích HS chứ không phải là vì phụ huynh.

“Qua hai năm, phụ huynh đã quen với việc bỏ chấm điểm, không còn áp lực điểm số nữa nhưng lại chuyển qua một thái cực khác. Thay cho câu hỏi hôm nay con có được điểm 10 không thì hỏi hôm nay cô có khen con không, khen nhiều không” – cô Thu Nguyệt cho biết.

Còn theo cô Trần Thị Kim Bình, với mức đánh giá HS theo mức độ "Hoàn thành tốt", "hoàn thành", "chưa hoàn thành", việc khen thưởng cuối năm đã được cụ thể hóa ở một mức độ nhất định. “GV nhờ vậy có những căn cứ để thuyết minh trước hội đồng nhà trường chứ không thể có tình trạng “thưởng ồ ạt” nhưng không thuyết phục như những năm trước”.

Để Thông tư 22 thấm nhuần trong đội ngũ giáo viên, cho dù đến 6/11 mới bắt đầu có hiệu lực triển khai, nhưng ở các trường tiểu học, các thầy cô giáo đã bắt đầu nghiên cứu để so sánh những điểm nào được điều chỉnh, sửa đổi để thảo luận tại các buổi sinh hoạt chuyên đề ở các tổ chuyên môn. Những thắc mắc nếu chưa giải đáp ở tổ chuyên môn thì sẽ được Ban Giám hiệu nhà trường hỗ trợ. Thầy Nguyễn Lâm cho biết: “Tùy theo tình hình thực tế, nếu cần thiết, Phòng GD&ĐT sẽ thành lập một tổ tư vấn như trong giai đoạn đầu thực hiện Thông tư 30. Nhưng tôi tin chắc rằng, Thông tư 22 đã kế thừa những thành tựu của Thông tư 30 nên quá trình triển khai, GV sẽ không gặp vướng mắc gì lớn. Cái quan trọng nhất là hồ sơ, sổ sách thì đã được giảm tải khá nhiều”.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Những điều chỉnh trong Thông tư 22 đã phát huy được vai trò của tổ trưởng chuyên môn. Tổ chuyên môn xây dựng đề sẽ giúp cho Ban Giám hiệu có một mặt bằng chung để đánh giá chất lượng dạy – học”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giai-toa-suc-ep-cho-giao-vien-tieu-hoc-2377872-b.html