Giải thể doanh nghiệp – vướng mắc từ chính quy định pháp luật

Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện khi muốn rút lui khỏi thị trường. Khoảng 46.086 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, không ít trong số này vướng các quy định về giải thể, trong đó nhiều quy định thậm chí khó có thể áp dụng được trên thực tế. Bài viết này đề cập đến yêu cầu triệu tập cuộc họp ra quyết định giải thể của doanh nghiệp, một trong những quy định có thể xem là rào cản cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể.

Bản án số 09/2023/KDTM/-PT(1) ngày 23-2-2023 nói về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa nguyên đơn là bà Lâm Vạn A (bà A) và bị đơn là ông Trần Phúc H (ông H). Theo nội dung bản án này, ngày 10-8-2016, Công ty TNHH Trò chơi L (công ty L) được thành lập với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, bao gồm hai thành viên là bà A (cam kết góp 7 tỉ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ công ty L) và ông H (cam kết góp 3 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ công ty L). Ngày 30-8-2016, công ty L tổ chức họp Hội đồng thành viên, sau đó lập Biên bản họp Hội đồng thành viên số 08/2016/BB với đầy đủ chữ ký của các thành viên công ty L, trong đó có nội dung ghi nhận việc bà A chưa góp vốn vào công ty L.

Ngày 4-6-2018, ông H và bà A ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, theo đó, ông H chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty L cho bà A với giá trị là 2 tỉ đồng. Cũng trong ngày này, công ty L có Biên bản họp Hội đồng thành viên với đầy đủ chữ ký của các thành viên, tiếp tục thể hiện việc bà A chưa góp vốn vào công ty L.

Nếu căn cứ theo quy định pháp luật, công ty L được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 10-8-2016, nhưng đến ngày 4-6-2018 – nghĩa là đã quá thời hạn quy định cho việc góp vốn (90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) – bà A vẫn chưa thực hiện việc góp vốn thì bà A đương nhiên không còn là thành viên của công ty L. Đồng thời, công ty L phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ, cũng như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Trên thực tế, đến ngày 4-6-2018 (hơn sáu tháng kể từ thời điểm hết thời hạn góp vốn), công ty L vẫn không thực hiện các thủ tục nêu trên. Do đó, trường hợp này công ty L phải tiến hành giải thể theo quy định tại điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020.

Giải thể khi công ty không còn đủ thành viên tối thiểu

Theo quy định này, trường hợp giải thể công ty do không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong thời hạn sáu tháng liên tục thì thủ tục tiên quyết phải thực hiện là thông qua nghị quyết, quyết định giải thể công ty (quyết định giải thể). Có hai vấn đề liên quan đến quyết định giải thể, như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền thông qua quyết định giải thể. Theo quy định hiện hành, quyết định giải thể phải được thông qua bởi hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên(2).

Đối với vụ án được nêu, Luật Doanh nghiệp đã quy định nếu bà A không góp đủ vốn như đã cam kết sau khi hết thời hạn góp vốn thì đương nhiên không còn là thành viên công ty L. Do vậy, một cách hợp lý, có thể hiểu rằng, công ty L khi đó chỉ còn một thành viên là ông H, trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, và ông H là chủ sở hữu của công ty L dù công ty này chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đơn thuần là một thủ tục hành chính, để giúp cơ quan quản lý có thể cập nhật được những thay đổi của doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến bản chất của công ty L trong trường hợp này. Hay nói cách khác, quyết định giải thể phải được ban hành bởi ông H, là chủ sở hữu của công ty L.

Thứ hai, về chữ ký của một số cá nhân trong quyết định giải thể. Cũng ở điều 208, Luật Doanh nghiệp yêu cầu quyết định giải thể phải có chữ ký của chủ sở hữu công ty, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị.

Nếu rơi vào vụ án được nêu, yêu cầu này có thể được đáp ứng, bởi ông H lúc này được xem là chủ sở hữu của công ty L, do đó, việc ông H thông qua quyết định giải thể công ty L đương nhiên đã bao gồm chữ ký của ông H trong quyết định giải thể. Tuy nhiên, nếu giả định công ty L là một công ty cổ phần với ba cổ đông đăng ký mua cổ phần là ông H, bà A và ông M, sau khi bà A không thanh toán tiền mua cổ phần đã đăng ký, công ty L vẫn không thực hiện thủ tục thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Khi đó, công ty L phải thực hiện thủ tục giải thể. Theo lập luận tương tự tại phần thẩm quyền thông qua quyết định giải thể, lúc này, Hội đồng thành viên công ty L sẽ phải thông qua quyết định giải thể. Mặc dù vậy, trên thực tế công ty L chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chưa xác định được giữa ông H và ông M ai mới là chủ tịch hội đồng thành viên thì liệu rằng việc yêu cầu chữ ký của chủ tịch hội đồng thành viên trong trường hợp này có thật sự chặt chẽ và hợp lý.

Mâu thuẫn trong quy định về triệu tập họp đại hội đồng cổ đông

Ngoài trường hợp bị giải thể được nêu ở trên, Luật Doanh nghiệp còn quy định công ty bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 2 điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải triệu tập họp để quyết định giải thể. Đối với trường hợp công ty cổ phần, thẩm quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp thuộc về đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, thời gian cần thiết để công ty cổ phần triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông theo quy định là nhiều hơn thế.

Cụ thể, để triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông, người triệu tập họp của công ty cổ phần phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc nếu điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Như vậy, chỉ tính riêng thủ tục mời họp thì thời hạn để tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần đã vượt quá thời hạn được nêu tại điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020.

Tại điều 71 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp giải thể doanh nghiệp do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung hướng dẫn không đề cập đến việc triệu tập cuộc họp để ra quyết định giải thể công ty. Tuy nhiên, về nguyên tắc ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn, trường hợp này, yêu cầu về việc triệu tập cuộc họp để ra quyết định giải thể công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp vẫn được áp dụng. Hay nói cách khác, quy định tại điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020 dường như đang mâu thuẫn với quy định về triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần của chính luật này và không thể áp dụng trên thực tế.

Ngoài các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục cần thực hiện trên thực tế, chính những quy định pháp luật cũng đang có phần chưa rõ ràng và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và áp dụng. Với con số thống kê khoảng 46.086 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022 (tính trong chín tháng đầu năm 2023)(3), có thể thấy, bên cạnh việc gia nhập thị trường thì rút lui khỏi thị trường cũng là một thủ tục hành chính cần được đẩy nhanh về mặt tiến độ. Để làm được điều này, việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, minh thị hơn cũng là điều mà các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm và điều chỉnh cho phù hợp.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1)https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1138301t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 2-10-2023.

(2) Điểm a khoản 1 điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-the-doanh-nghiep-vuong-mac-tu-chinh-quy-dinh-phap-luat/