Giải quyết việc làm cho thanh niên chưa hiệu quả

Các chuyên gia về lao động nhận định, hệ thống chính sách việc làm hiện nay tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.

Thách thức, khó khăn trong tạo việc làm cho thanh niên

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng.

Những năm qua, nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của thanh niên nói chung, trong lao động, lập nghiệp, khởi nghiệp nói riêng, Quốc hội đã thông qua nhiều luật có liên quan, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về lao động, việc làm, hướng tới giải quyết việc làm theo hướng bền vững cho người lao động nói chung, thanh niên nói riêng.

Trang bị kỹ năng nghề cho thanh niên đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, như: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên qua hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm công;

Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội… thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thông qua việc triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách công tác lao động, việc làm cho thanh niên đã đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện; trên 29,3% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).

Hằng năm, các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm ngàn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi.

Bên cạnh đó, 70% lao động đi làm việc ở nước ngoài là thanh niên, tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, vấn đề tạo việc làm cho thanh niên vẫn có những thách thức, khó khăn như: Nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế; tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chỉ hơn 3%), một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc; tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 đang là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

“So với thế giới và khu vực, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không phải vấn đề nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên cũng phản ánh việc kết nối cung - cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Cần trang bị kỹ năng để thanh niên thích ứng với thị trường lao động 4.0

Nhiều chuyên gia về lao động nhận định, hệ thống chính sách việc làm hiện nay tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, qua khảo sát cho thấy, thực tế đáng lo ngại hiện nay là tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp rất nhiều.

Tình trạng mất việc làm của lao động ở phía Nam cao hơn nhiều so với miền Bắc. Với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay thì hỗ trợ cho người lao động là rất quý nhưng điều quan trọng nhất, gốc rễ để giải quyết vấn đề là cần tạo công ăn việc làm cho lao động.

TS Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, xu hướng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số mà Việt Nam đang bắt nhịp rất nhanh với xu hướng chung của thế giới sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho thanh niên trong thời đại công nghiệp 4.0 quan trọng là trang bị cho họ những bộ kỹ năng để đủ năng lực thích ứng tham gia thị trường lao động mới này.

Theo ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay.

Do đó, cần nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể hơn nhằm tận dụng những cơ hội nghề nghiệp, nhất là cải thiện về kỹ năng số, trình độ tay nghề cao của lực lượng lao động là thanh niên. "Chính phủ cần quan tâm xử lý các cơ chế về nguồn lực để thanh niên có thể phát huy được vai trò xung kích, đặc biệt đối với các chủ trương lớn, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia", ông Quý cho hay.

Hà Châu

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/giai-quyet-viec-lam-cho-thanh-nien-chua-hieu-qua-20240315104543695.htm