Giải quyết tranh chấp theo tập quán

Hiện vẫn còn không ít người, cộng đồng, vùng miền quen dùng cách xử sự theo tập quán trong buôn bán, trao đổi, cho vay mượn tiền nên dễ phát sinh tranh chấp trong giao dịch dân sự.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) trao đổi vấn đề giải quyết tranh chấp dân sự theo tập quán cho người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) tại buổi tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Đ.Phú

* Tập quán mỗi nơi mỗi khác

Vừa qua ông L.V.G. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) ra thăm quê (tỉnh Thanh Hóa) thì được ông P.V.V. (bạn thân) đề nghị nhượng lại 2 sào đất rẫy để khi ông V. chuyển gia đình vào miền Nam lập nghiệp thì có đất sinh sống. Vậy là ông G. đồng ý chuyển nhượng 2 sào đất rẫy với giá 400 triệu đồng cho ông V. và 2 bên viết giấy tay, ông V. đưa 200 triệu đồng cho ông G. để làm tin. Khi ông V. đưa gia đình vào xã Thanh Sơn sinh sống thì được ông G. giao đúng 2 sào Bắc Bộ (720 m2) như đã cam kết và ông V. trả đủ tiền.

Sau thời gian sinh sống, ông V. mới biết mình bị hớ mua đắt vì trong Nam bộ 1 sào đất là 1 ngàn m2 chứ không phải 360m2 như đôi bên đã thỏa thuận tại quê nhà. Do đó, ông V. đề nghị ông G. giao thêm 1.280m2 đất. Nếu không thì ông sẽ trả lại đất và ông G. trả lại tiền.

Còn trường hợp bà P.T.B. (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) do không có đất ở nên được ông L.H. cho mượn đất cất nhà ở. Đôi bên làm giấy cam kết sau một xác lá (3-5 năm) bà B. phải tháo dỡ nhà tạm và trả lại đất cho ông B. Tuy vậy, qua 6-7 năm, bà B. vẫn không dỡ nhà, trả đất vì cho rằng, nhà lợp tôn nên khi nào tôn hư thì mới trả đất.

Hay như chuyện giữa bà T.N.C. (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) và bà P.T.Đ. (tỉnh Ninh Bình nhập cư) tranh cãi nhau “nảy lửa” những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Bà Đ. là người bán trứng vịt dạo được bà C. gọi vào mua. Bà Đ. ra giá một chục trứng vịt giá 35 ngàn đồng nên bà C. đồng ý mua năm chục trứng. Đến khi bà C. lựa đúng 60 cái trứng và trả cho bà Đ. đúng số tiền 175 ngàn đồng thì bà Đ. không chịu, buộc bà C. phải đưa thêm 35 ngàn đồng nữa mới đủ. Bởi theo bà Đ. một chục trứng bà bán là 10 cái. Còn bà C. thì nghĩ một chục trứng theo quan niệm người dân khu vực Bến Gỗ (xã An Hòa) là 12 cái.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, những tranh chấp theo tập quán phát sinh nêu trên hiện nay tuy hiếm gặp nhưng một khi có xảy ra và các bên không tự giải quyết hay thỏa thuận được thì họ có quyền yêu cầu pháp luật can thiệp. Về nguyên tắc giải quyết, khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán. Tuy vậy, tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

* Tập quán ở đâu áp dụng ở đó

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, nếu các bên tranh chấp là người ở các địa phương khác nhau mà mỗi địa phương đều có tập quán về vấn đề đang tranh chấp trong khi tranh chấp đó lại xảy ra tại một địa phương khác không có tập quán thì không được áp dụng tập quán này. Còn nếu các bên tranh chấp là người ở các địa phương khác nhau mà mỗi địa phương đều có tập quán về vấn đề đang tranh chấp trong khi tranh chấp đó lại xảy ra tại một địa phương khác cũng có tập quán thì áp dụng tập quán tại nơi xảy ra tranh chấp để giải quyết.

Chính vì vậy, trường hợp giữa ông L.V.G. (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) và ông P.V.V. (tỉnh Thanh Hóa) cần áp dụng theo tập quán ở xã Thanh Sơn (H.Định Quán) giải quyết, nghĩa là 1 sào đất phải là 1 ngàn m2 chứ không phải 360m2. Riêng trường hợp của bà P.T.B. với ông L.H. (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) thì áp dụng theo tập quán tại xã Bình Sơn (H.Long Thành) một xác lá 3-5 năm và tranh chấp giữa bà T.N.C. với bà P.T.Đ. (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) thì áp dụng tập quán ở khu vực Bến Gỗ một chục trứng là 12 cái để giải quyết.

Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Đức, luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo Điều 5, Bộ luật Dân sự năm 2015, tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán.

Luật sư Nguyễn Văn Hòa phân tích, điều kiện áp dụng tập quán gồm: phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự; pháp luật không quy định riêng và các bên không thỏa thuận; có tập quán được áp dụng trong một địa phương, vùng, miền; tập quán không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

“Áp dụng tập quán được hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tập quán của địa phương hoặc tập quán của một dân tộc để giải quyết các tranh chấp phát sinh tại địa phương hoặc dân tộc theo cách ứng xử của tập quán đó nếu trong pháp luật dân sự chưa có sẵn quy phạm để áp dụng trực tiếp. Hiện nay, ở mỗi địa phương, vùng miền tồn tại nhiều tập quán từ xa xưa khác nhau. Những tập quán này là nguồn áp dụng quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên” - luật sư Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

“Tập quán được áp dụng phải đảm bảo cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử. Các quy định tập quán không đảm bảo điều kiện này thì sẽ không được phép áp dụng. Chẳng hạn như: tập quán phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn; tập quán chỉ để lại thừa kế cho con gái; tập quán nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố mẹ vợ…” - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU cho hay.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202301/giai-quyet-tranh-chap-theo-tap-quan-3155054/