Giải quyết tình trạng dôi dư công trình, tài sản công sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính

Sau khi đi kiểm tra thực tế về công tác quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính tại một số huyện, ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo để giải quyết vấn đề này.

Thanh Hóa:

Công sở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương được bàn giao lại cho Tiểu đoàn CSCĐ số 4 quản lý sử dụng. Ảnh: Huy Hoàng

Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh đi đầu của cả nước về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, Thanh Hóa đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố sau khi thực hiện.

Việc sắp xếp này, không chỉ giúp cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều công trình dư thừa hiện đang bỏ không, gây lãng phí. Giải quyết công trình này thế nào là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Hiện tại tỉnh Thanh Hóa còn còn lại hơn 600 cơ sở nhà đất của 27 huyện, thị xã, TP, dôi dư sau sáp nhập. Trong đó, có hơn 270 cơ sở là nhà văn hóa, 370 cơ sở là công sở, trường học, trạm y tế vẫn vướng các quy định để xử lý.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, các công trình, tài sản công dôi dư sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính ở Thanh Hóa có 3 nhóm, gồm: trụ sở làm việc cấp xã, trung tâm văn hóa cấp xã, trạm y tế cấp xã, nhà văn hóa; trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện đã thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); trụ sở các cơ quan Nhà nước của Trung ương trên địa bàn.

Các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính chưa có phương án xử lý cụ thể, hiệu quả. Nhiều tài sản không sử dụng trong thời gian dài đã bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế. Trong khi đó, việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của Nhà nước...

Tình trạng trên có nguyên nhân khách quan là do hệ thống văn bản quy định hướng dẫn của Trung ương về xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa cụ thể; quy trình, thủ tục xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị còn phức tạp; việc xử lý các công trình nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố dôi dư có khó khăn do hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc tài sản không có, do nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân...

Nhiều công sở dôi dư sau sáp nhập bị bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí. Ảnh: Huy Hoàng

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc xây dựng phương án, cũng như tiến hành trình tự, thủ tục pháp lý để xử lý tài sản công dôi dư; việc vận dụng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản công sau sắp xếp của các địa phương, đơn vị chưa thật sự thống nhất; các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa chưa sâu sát, tích cực trong việc đôn đốc, hướng dẫn thực hiện xử lý tài sản dôi dư...

Về việc này, ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương rà soát, báo cáo tổng thể thực trạng công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính; đề xuất phương án xử lý cụ thể với từng nhóm tài sản, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.

Khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị về quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng các công trình, trong đó, đề xuất giải quyết dứt điểm các nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố dôi dư theo hướng bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với các huyện, kiểm tra và yêu cầu bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ các công trình dôi dư hiện không sử dụng; chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình trụ sở làm việc của cấp xã dôi dư theo hướng công trình nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan, đơn vị Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương quản lý, sử dụng thì thực hiện thủ tục để bàn giao và đưa vào sử dụng; khuyến khích bàn giao các công trình, tài sản dôi dư hiện chưa sử dụng cho lực lượng công an xã, thị trấn để thực hiện chủ trương của Bộ Công an về xây dựng trụ sở làm việc cho lực lượng công an xã, thị trấn...

Đối với các công trình, tài sản dôi dư khác thuộc quản lý của địa phương, thì xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong thời gian chưa xây dựng được phương án xử lý thì nghiên cứu giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cấp xã quản lý, sử dụng để làm việc.

Huy Hoàng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giai-quyet-tinh-trang-doi-du-cong-trinh-tai-san-cong-sau-sap-xep-cac-co-quan-don-vi-hanh-chinh-353168.html