Giải quyết nhu cầu đất cho các hợp tác xã nông nghiệp: Còn nhiều khó khăn

Trong hoạt động, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đất đai để xây dựng nhà xưởng và mở rộng vùng nguyên liệu. Điều này khiến nhiều HTX hoạt động không được như kỳ vọng ban đầu, dần thu hẹp sản xuất.

HTX Mai Anh (Sa Pa) dù đang hoạt động hiệu quả và là nhà cung cấp rau, củ, quả cho nhiều siêu thị lớn nhưng ông Bùi Trọng Trung, Giám đốc HTX luôn trong tâm trạng thấp thỏm, bởi các hộ thuộc phường Hàm Rồng - nơi HTX thuê đất - thường xuyên đánh tiếng đòi trả lại 3 ha mà HTX đã thuê trồng rau nhiều năm nay. Ban đầu, HTX vừa thỏa thuận thuê đất của dân theo chu kỳ 5 năm, vừa thuê luôn người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch rau. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh của du lịch Sa Pa và việc nở rộ hàng loạt dự án lớn trên địa bàn, kéo theo đó là “cơn sốt đất” tăng, những người có đất cho thuê liên tục thúc ép HTX tăng giá thuê hoặc buộc phải trả lại mặt bằng.

Giám đốc Bùi Trọng Trung cho biết: Sau khi thuê đất, HTX đã đầu tư vào đây cả chục tỷ đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, đường nội bộ, nay mới hoạt động được vài năm đã phải trả lại thì thiệt hại rất lớn cho HTX. Ngoài diện tích đất ở phường Hàm Rồng, cách đây mấy năm, HTX Mai Anh cũng thuê đất và liên kết sản xuất với một số hộ tại xã Tả Giàng Phình cũ (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn), nhưng cũng không được bao lâu thì phải kết thúc dự án liên kết tại đây bởi câu chuyện tương tự ở Hàm Rồng.

“HTX có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất và rất muốn được tiếp cận nguồn quỹ đất do Nhà nước quản lý, tuy nhiên chưa khi nào tiếp cận được. Suốt từ khi hoạt động đến nay, HTX đều đi thuê đất của người dân, trong khi người dân chưa thấy rõ lợi ích của việc liên kết sản xuất của HTX, dẫn đến liên tục gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất”, ông Trung giãi bày.

HTX Hoa Lợi nổi tiếng với sản phẩm tương ớt Mường Khương cũng đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến chuyện tiếp cận đất đai để sản xuất. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX vẫn trung thành với mô hình sản xuất liên kết với các hộ, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật để người dân phát triển vùng nguyên liệu, sau đó cung cấp cho HTX. Với mức độ sản xuất vừa phải và yêu cầu sản phẩm đầu ra như hiện nay thì mô hình liên kết như thế này vẫn đảm bảo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc HTX Hoa Lợi cho biết, trong định hướng của mình, HTX sẽ xuất khẩu sản phẩm ra thị trường một số nước trong khu vực, vì vậy HTX rất muốn tiếp cận được nguồn quỹ đất lớn tập trung để xây dựng mô hình sản xuất đạt chuẩn, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng hơn. Bà cho rằng việc liên kết với các hộ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất khẩu, bởi thị trường nước ngoài rất khó tính, chỉ cần trong lô hàng phát hiện 1 sản phẩm không đạt chuẩn vệ sinh thực phẩm hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ trả lại toàn bộ, điều này không chỉ gây thiệt hại nặng về kinh tế mà còn mất uy tín.

HTX còn một nỗi lo nữa là khu vực xưởng sản xuất tương ớt tại xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) cũng đang nằm trong quy hoạch nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp phải tạm dừng. “Trước đây, để ổn định sản xuất, HTX đã chọn khu đất rất xa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi thành phố phát triển mạnh về phía Nam và bờ tả sông Hồng thì nơi đây trở thành nội thị. Bây giờ tìm được khu đất rộng, phù hợp để sản xuất thế này rất khó”, bà Loan phân trần.

Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiếp cận vốn, đất đai. Riêng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn được hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi vốn… Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ HTX, mới đây nhất là Quyết định 1084 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025. Tại Lào Cai, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng được lồng ghép trong các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới với nhiều nội dung nhằm nâng cao hiệu quả của loại hình kinh tế này. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của các HTX gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mặc dù đã có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, nhưng số HTX tiếp cận và thụ hưởng những chính sách này còn hạn chế, đặc biệt là vấn đề đất đai. Không tiếp cận được quỹ đất theo nhu cầu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiếp cận nguồn vốn cũng như các chính sách hỗ trợ khác của HTX.

Ông Sơn dẫn chứng năm 2020, tỉnh có nguồn hỗ trợ hạ tầng cho các HTX, tuy nhiên tìm được HTX có đủ điều kiện về đất đai hoặc đã có đất nhưng để phù hợp yêu cầu thì rất khó khăn. Kết quả là đến nay, mới chỉ có số ít HTX được thụ hưởng chính sách. Để khắc phục vấn đề này, các địa phương cần cân đối quỹ đất chung, bổ sung quy hoạch diện tích đất sử dụng vào các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng nguyên liệu hoặc mở rộng nhà xưởng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của hợp tác xã.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362062-giai-quyet-nhu-cau-dat-cho-cac-hop-tac-xa-nong-nghiep-con-nhieu-kho-khan