Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, tôn tạo di tích và khai thác du lịch

Di sản văn hóa là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là tài sản quý giá của mỗi quốc gia. Đó là những giá trị văn hóa có sức sống trường tồn, đã vượt qua sự thẩm định của thời gian nối quá khứ với hiện tại. Những giá trị của di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của ngành du lịch.

 Bên Đài tưởng niệm Thành Cổ - Ảnh: NGUYỄN VĂN DŨNG

Bên Đài tưởng niệm Thành Cổ - Ảnh: NGUYỄN VĂN DŨNG

Nằm giữa dải đất miền Trung với vị trí chiến lược trọng yếu, nơi diễn ra nhiều cuộc đối đầu lịch sử, nơi giao thoa của các nền văn hóa, trải qua quá trình đấu tranh và xây dựng đã để lại cho Quảng Trị nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Theo thống kê, hiện Quảng Trị có 500 di tích danh thắng đã được xếp hạng các cấp bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có nhiều di tích rất nổi tiếng bởi tầm vóc lịch sử văn hóa và tính độc đáo riêng biệt của nó như Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh…

Xác định đầu tư bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, sự chung tay góp sức của cộng đồng, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch đã được chú trọng. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2011 - 2020, nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hóa… hệ thống di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp. Đến năm 2021, có 11 di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia tiêu biểu được đầu tư tôn tạo từ ngân sách nhà nước thuộc Dự án “Quy hoạch tổng thể, đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị (1996 - 2010) với tổng kinh phí đầu tư 250 tỉ đồng, trong đó có 7,5 tỉ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa. Có 12 di tích được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa của Bộ Văn hóa,Thể thao&Du lịch cùng với nguồn huy động xã hội hóa với số vốn là 11.370 tỉ đồng. Ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã đóng góp 134 tỉ đồng đầu tư cho di tích Thành Cổ Quảng Trị. Về cơ bản, các di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp không chỉ đáp ứng yêu cầu giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay mà còn tạo nên những điểm đến hấp dẫn, độc đáo thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch vẫn đang đặt ra những vấn đề bức thiết. Hiện nay, các di tích lịch sử văn hóa, kể cả các di tích quốc gia đặc biệt vẫn còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc và giá trị văn hóa lịch sử của di tích. Một số di tích được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh chưa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều di tích chưa được quy hoạch, chưa hoàn thiện hồ sơ khoa học, pháp lý, chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ… dẫn đến tình trạng di tích bị xâm lấn, hoang phế, thậm chí mất dần dấu tích gốc. Việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo nâng cấp các di tích với tư cách là một điểm đến, một sản phẩm du lịch chưa được quan tâm triển khai thực hiện hoặc nếu có cũng dựa trên ý tưởng chủ quan, tùy tiện dẫn đến hiện tượng phá vỡ cảnh quan, làm mất đi phần hồn cốt của di tích. Nhận thức về mối quan hệ giữa đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích với phát triển du lịch của các cấp các ngành cũng như cộng đồng chưa đầy đủ, chưa thực sự thống nhất, dẫn đến việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, thậm chí vướng mắc, khó khăn trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch.

 Địa đạo Vịnh Mốc - Ảnh: TRÀ THIẾT

Địa đạo Vịnh Mốc - Ảnh: TRÀ THIẾT

Có thể thấy những di tích mang tính độc đáo riêng có của Quảng Trị chưa được quan tâm đúng mức để đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị lịch sử cũng như thu hút phát triển du lịch. Trong đó, có những di tích nổi tiếng như Hệ thống khai thác nước giếng cổ Gio An-một công trình dẫn thủy cổ độc đáo có niên đại cách đây hàng ngàn năm do người Chăm sáng tạo bằng kỹ thuật xếp đá và được người Việt tiếp thu gìn giữ cho đến ngày nay. Hoặc di tích Căn cứ Cồn Tiên-Dốc Miếu với tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara-hệ thống phòng thủ chiến lược có một không hai trên thế giới của Mỹ-ngụy được thiết lập ở phía Nam vĩ tuyến 17 nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam; là sản phẩm khoa học hiện đại của 47 nhà khoa học Mỹ đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Mc.Namara được mệnh danh là “con mắt thần bất khả xâm phạm”. Đây là một loại hình di tích độc đáo chỉ có ở Quảng Trị-Việt Nam. Di tích Sân bay Tà Cơn cũng rất nổi tiếng gắn liền với chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 được xem là “chiếc ghế điện” đối với liên quân Mỹ - ngụy. Tại đây có một nhà bảo tàng về Đường 9 - Khe Sanh với nhiều hình ảnh và các loại hiện vật, công cụ chiến tranh của cả hai phía rất độc đáo, khác biệt. Đó là những di tích lịch sử văn hóa “độc nhất vô nhị” riêng có của Quảng Trị và là nguồn tài nguyên du lịch vô giá nhưng chưa được quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo đúng mức, thậm chí hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất dấu tích như di tích Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc.Namara…

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, tôn tạo và khai thác du lịch đối với hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, trước hết cần hoàn thiện công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho tất cả các di tích được xếp hạng đặc cách, trên cơ sở đó tiến hành việc khoanh vùng bảo vệ, cắm bia biển làm cơ sở cho việc bảo tồn tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần phải đi trước một bước nhằm nhận diện yếu tố cấu thành đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, đồng thời định hướng cấu trúc không gian, cảnh quan và các giá trị tiêu biểu khác của di tích. Làm tốt công tác quy hoạch di tích là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt hiệu quả công tác đầu tư tôn tạo di tích gắn với khai thác phát triển du lịch tránh những biểu hiện tự phát, tùy tiện xây dựng mới làm biến dạng, xâm hại di tích trong quá trình khai thác phát triển du lịch.

Hiện nay, du lịch di sản đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Phần lớn lượng khách trong và ngoài nước đến Quảng Trị chủ yếu là đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của địa phương như: Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Thánh địa La Vang, Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang… Đây không chỉ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng lợi thế so sánh trong phát triển du lịch của Quảng Trị mà còn là nguồn lực để xây dựng những điểm đến, những sản phẩm du lịch độc đáo đặc sắc riêng có của Quảng Trị như: Du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử, du lịch “về nguồn”, du lịch tâm linh, du lịch DMZ…vì vậy, cần tập trung nguồn lực để biến các di tích này thành những điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó cần làm “sống dậy” các di tích vốn rất nổi tiếng, riêng có của Quảng Trị như Hệ thống khai thác nước giếng cổ Gio An, Hàng rào điện tử Mc. Namara - Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, Sân bay Tà Cơn - Khe Sanh… vừa khai thác phát triển du lịch vừa góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất con người Quảng Trị và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của hệ thống di tích gắn với phát triển du lịch, thiết nghĩ thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cộng đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị của hệ thống di sản văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội… để cùng chung quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa, làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác “nguồn tài nguyên” vô giá phục vụ phát triển du lịch.

Thứ ba, tập trung huy động mọi nguồn lực, bao gồm nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hóa để đầu tư thỏa đáng cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích, từ đó tạo ra những “sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử” đặc sắc riêng có của Quảng Trị, tăng tính hấp dẫn để thu hút khách du lịch trên cơ sở đó tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ tư, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa với lợi ích của các chủ thể tham gia vào phát triển du lịch văn hóa. Muốn làm được điều đó trước hết cần thống nhất nguyên tắc: Di sản văn hóa lịch sử là tài nguyên không thể thay thế cho nên giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, tôn tạo di tích và phát triển du lịch theo hướng bền vững, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc cái xây mới, xây dựng sau nhất thiết phải tôn trọng yếu tố gốc của di tích và phải được tính toán, tham vấn kỹ lưỡng từ những chuyên gia trong lĩnh vực di sản cũng như cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, cần phải có một chính sách về công tác trùng tu tôn tạo di tích cụ thể, linh hoạt và hiệu quả, nhất là chính sách về huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, trong đó quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đóng góp vốn đầu tư trùng tu tôn tạo di tích cũng như quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về di tích. Từ đó, xây dựng cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản một cách hài hòa. Có như thế mới đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo tồn tôn tạo di tích vừa phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tiến hành rà soát để phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương phù hợp với yêu cầu thực tiễn để chủ động trong việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát triển du lịch di sản văn hóa, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra.

Nguyễn Huy Hùng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164649&title=giai-quyet-hai-hoa-moi-quan-he-giua-bao-ton-ton-tao-di-tich-va-khai-thac-du-lich