Giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn đất lâm nghiệp

Cần ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường; có phương án xử lý đối với các trường hợp sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích; giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn đất lâm nghiệp... Là những ý kiến đóng góp của đại biểu tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm OCOP

Tại phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến nhận định: 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phục hồi và đạt những kết quả khả quan… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM còn nhiều khó khăn, nguồn lực Trung ương bố trí hạn chế, các xã chưa đạt chuẩn còn khối lượng rất lớn các công việc; số lượng sản phẩm OCOP tuy nhiều nhưng thương hiệu phát triển còn hạn chế…

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Hải Phong

Đại biểu Đặng Thị Bình nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để hỗ trợ chủ sản phẩm trong phát triển thương hiệu, xây dựng thị trường tiêu thụ; động viên các hộ cá thể liên kết với nhau, hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng để tạo nên thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm... Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay, giảm lãi suất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện) để các HTX phát triển sản phẩm; hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất để các HTX có năng lực mở rộng quy mô; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, nâng hạng sản phẩm OCOP; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đánh giá hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử để có giải pháp thực hiện chương trình đồng bộ, hiệu quả hơn… Đồng thời, UBND tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm đúng quy định, nhất là đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật đã cấm sử dụng.

Quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân đề nghị tỉnh ưu tiên nguồn lực trong thực hiện Chương trình; có chỉ đạo mới đối với các huyện đã đăng ký, phấn đấu năm 2025 về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; có chính sách cụ thể hơn trong xây dựng đô thị văn minh… “Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo thí điểm triển khai mô hình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn (9/13 đơn vị đã có kết quả khả quan). Tuy nhiên, tỉnh cần đánh giá kết quả bước đầu và kịp thời có đề án, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn bảo đảm thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững”, đại biểu nhấn mạnh.

Xử lý trường hợp sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích

Đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, đại biểu Từ Thị Hòa cho rằng: những năm qua, lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và từng địa phương có rừng, đất lâm nghiệp... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng xảy ra trong thời gian dài; nhiều hộ gia đình, cá nhân không thực hiện nghiêm túc hợp đồng giao khoán để bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển rừng; tình trạng chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các đơn vị chủ rừng Nhà nước với nhau và giữa chủ rừng Nhà nước với hộ gia đình, cá nhân…

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương rà soát lại hiện trạng, hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp, cắm mốc phân định ranh giới; tổ chức thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với các chủ rừng Nhà nước; chỉ đạo rà soát lại hiệu quả việc giao đất, giao rừng; có phương án xử lý các trường hợp sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích… Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm việc chồng lấn đất lâm nghiệp. “Đặc biệt, tỉnh cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chính sách phát triển lâm nghiệp. Sớm làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trên địa bàn trong việc thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Hòa đề nghị.

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, đại biểu Nguyễn Đức Tới nhấn mạnh: UBND tỉnh cần có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư (đặc biệt là các tập đoàn lớn) mang tính chất bền vững và hiệu quả. Đồng thời, tỉnh cũng cần có giải pháp đối với một số dự án đầu tư không hiệu quả (như tại Khu du lịch Thiên Cầm…).

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Văn Danh đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức chương trình giới thiệu du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh phía Bắc tại Hà Tĩnh nhằm kết nối phát triển thị trường; đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách; triển khai Quy hoạch tỉnh... “Một trong những giải pháp quan trọng là khẩn trương triển khai các nội dung đã ký kết tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư; tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn theo định hướng quy hoạch tỉnh”, đại biểu nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đề nghị các cấp, ngành chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao cho các mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Trọng tâm là: quan tâm công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư; quyết liệt thực hiện các giải pháp thu ngân sách, phấn đấu vượt dự toán; tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… Đồng thời, tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện, cơ cấu lại giống lúa để đẩy mạnh tập trung tích tụ ruộng đất, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; rà soát các tiêu chí NTM, hỗ trợ các huyện Hương Khê, Kỳ Anh và 4 xã của huyện Hương Khê đạt chuẩn NTM…

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-chong-lan-dat-lam-nghiep-i337382/