Giải quyết dứt điểm kiến nghị xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật

UBND tỉnh Tuyên Quang khẩn trương ban hành quy định về quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình xây dựng phương án, kế hoạch phục hồi cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đối với những công trình hoạt động kém hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm kiến nghị về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; kiến nghị về việc sắp xếp trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông…

Đó là những nội dung Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND đã được chỉ đạo giải quyết nhưng có nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên cơ sở xem xét báo cáo kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh từ Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh; kết quả thực hiện một số kiến nghị có tiến độ chậm hoặc có nội dung mới thực hiện được một phần theo yêu cầu tại Báo cáo số 101/BC-HĐND ngày 1.7.2023 của Thường trực HĐND tỉnh.

Khẩn trương cải tạo, nâng cấp công trình kém hiệu quả

Kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát từ Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6 cho thấy, có 28/38 (chiếm 73,7%) kiến nghị đã và đang thực hiện có kết quả tích cực; còn 10/38 (chiếm 26,3%) kiến nghị đang thực hiện nhưng có nội dung cần tiếp tục quan tâm, khẩn trương thực hiện.

Đơn cử, về công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đến tháng 11.2023, UBND tỉnh chưa ban hành quy định về quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh. Việc chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình thực hiện xây dựng phương án, kế hoạch phục hồi cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đối với những công trình hoạt động kém hiệu quả còn hạn chế, qua Báo cáo số 235/BC-UBND ngày 30.10.2023 của UBND tỉnh, nội dung này còn chưa rõ kết quả thực hiện.

Trên nhiều cánh đồng của tỉnh Tuyên Quang đều có bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Ảnh Khánh Huy

Trên nhiều cánh đồng của tỉnh Tuyên Quang đều có bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Ảnh Khánh Huy

Về việc chi trả chế độ tiền lương dạy thêm cho giáo viên tuy đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết tích cực song tại một số nơi còn chậm, chưa kịp thời. Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy: một số trường của huyện Yên Sơn chưa thực hiện chi trả năm học 2021 - 2022; đối với kinh phí chi trả vượt giờ năm học 2022 - 2023 của các huyện, thành phố, đề nghị bổ sung với số tiền 4.415,1 triệu đồng, ngày 4.10.2023, Sở Tài chính mới tham mưu UBND tỉnh đề nghị cấp bổ sung kinh phí tại Tờ trình số 345/TTr-STC.

Bên cạnh đó, việc thanh toán tiền dạy thêm giờ cho giáo viên tại một số huyện còn có vướng mắc chưa được tháo gỡ. Việc tuyển dụng, chỉ đạo hợp đồng giáo viên, phân bổ, phân công giáo viên phù hợp giữa các cơ sở giáo dục…

Quan tâm sắp xếp trường, điểm trường, lớp học

Trên cơ sở kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh có tiến độ chậm hoặc mới thực hiện được một phần theo yêu cầu trong Báo cáo số 101/BC-HĐND ngày 1.7.2023 cho thấy: có 7/20 kiến nghị có kết quả giải quyết; 13/20 kiến nghị đang giải quyết. Trong đó, có những kiến nghị cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Điển hình như kiến nghị về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh: chưa hoàn thành việc thực hiện kiến nghị theo Kết luận số 01/KL-HĐND ngày 28.10.2021 của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp giải trình về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh đến tháng 3.2023. Cụ thể, kinh phí các huyện, thành phố đã tạm ứng trước nguồn ngân sách của huyện để lắp đặt bể chứa và thu gom vận chuyển, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật với số tiền 580.903.000 đồng đến nay chưa được cấp. Hiện, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, bố trí kinh phí thực hiện. Về việc xây dựng bể chứa, nhà lưu chứa, UBND tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục thực hiện.

Một số kiến nghị như: lắp đặt bể chứa, kho lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định; rà soát, kiểm tra các kho lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, có phương án di chuyển các kho lưu chứa gần nhà dân, trường học bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người dân; khẩn trương bổ sung cảnh báo nguy hiểm tại các bể chứa, kho chứa theo đúng quy định, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố thực hiện.

Hay, kiến nghị về việc sắp xếp trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Qua xem xét, nghiên cứu văn bản số 614/HĐND-VHXH ngày 2.11.2023 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy: năm học 2023 - 2024, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương đưa học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 về trường chính hoặc sắp xếp tập trung về một điểm trường lẻ. Toàn tỉnh còn 19,6% học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 học tại các điểm trường lẻ chưa sắp xếp về điểm trường chính do nhiều điểm trường lẻ xa điểm trường chính, điều kiện giao thông không thuận lợi hoặc do điểm trường chính chưa bảo đảm cơ sở vật chất (giảm 3,3% so với năm học 2022 - 2023).

LINH NGUYỄN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/giai-quyet-dut-diem-kien-nghi-xu-ly-bao-goi-thuoc-bao-ve-thuc-vat-i355285/