Giải quyết công nhận người có công: Người dân chính là hồ sơ gốc

Cả nước còn hơn 3.100 hồ sơ công nhận liệt sỹ, thương binh còn tồn đọng hàng chục năm do thiếu hồ sơ, giấy tờ... đòi hỏi các cán bộ chính sách phải giải quyết bằng trái tim, lương tâm và khối óc.

Trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Nguyễn Thị Út. (Ảnh minh họa: Hoàng Ngà/TTXVN)

Năm nay là năm đánh dấu 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ và có lẽ sẽ không có gì ý nghĩa hơn để kỷ niệm dấu mốc này bằng việc đền ơn, đáp nghĩa cho những người có công với cách mạng.

Những bộ hồ sơ người có công đã kéo dài hàng chục năm nhưng không được công nhận vì thiếu giấy tờ, thiếu nhân chứng... sẽ được xem xét, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và giải quyết trong năm nay.

Hơn 3.100 hồ sơ còn tồn đọng

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ và giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tổ chức này 17/2, báo cáo của các địa phương cho thấy cả nước còn tồn đọng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng. Mặc dù thời gian qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các tỉnh, thành có nhiều cố gắng tập trung, xem xét, giải quyết nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, chỉ riêng hồ sơ liệt sỹ và thương binh vẫn còn hơn 3.100 hồ sơ còn tồn đọng.

Càng giải quyết, xem xét nhiều hồ sơ khó càng giúp cán bộ làm việc “chắc tay” hơn, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Thừa Thiên Huế cũng ưu tiên lấy lời khai sớm đối với những trường hợp nhân chứng quá lớn tuổi tránh trường hợp làm theo trình tự thì nhân chứng không còn minh mẫn hoặc đã mất.”

Theo bà Phan Minh Nguyệt: “Trong quy trình lấy ý kiến người dân, chúng thôi thực hiện song song niêm yết công khai đồng thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để rút gọn tiết kiệm được 15 ngày của quy trình này thay vì lần lượt thực hiện từng bước công khai thông tin.”

Việc công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân. Thậm chí, người dân chính là những nhân chứng giúp hoàn thiện những hồ sơ còn thiếu.

Ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương cho rằng: “Người dân là hồ sơ gốc. Quá trình xét duyệt phải nghiên cứu từng hồ sơ, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, thậm chí lắng nghe ý kiến từng người dân đối với các hồ sơ. Đối với trường hợp lấy ý kiến nhân chứng phải mời đủ lão thành cách mạng đến, thậm chí khó khăn thì đến từng nhà để hỏi từng trường hợp cụ thể.”

Đại diện các địa phương cũng cho rằng đối với các trường hợp thiếu hồ sơ, nếu nhận được sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương thì rất thuận lợi cho quá trình giải quyết công nhận người có công.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết hồ sơ tồn đọng, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết thêm: “Quá trình rà soát phải minh bạch, công khai. Thậm chí phải nghiên cứu cả lịch sử Đảng bộ địa phương để có thêm tài liệu chứng cứ giải quyết chính sách người có công. Đặc biệt, chúng tôi còn tiến hành xác minh lý lịch, quá trình công tác của người làm chứng để bản thân họ nếu cảm thấy không chắc chắn thì xin rút, đảm bảo thông tin xây dựng hồ sơ chính xác.”

Nợ dân mãi làm sao được?

Thời quan qua, mỗi đợt vận dụng để giải quyết đều xuất hiện tình trạng hồ sơ giả, không ít trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước để trục lơi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với người có công với cách mạng. Vì vậy, mặc dù sẽ gỡ khó trong việc giải quyết hồ sơ tồn động, nhưng việc xét hồ sơ sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Hội nghị sơ kết thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Huỳnh Văn Tí cho biết, mục tiêu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là trong năm 2017 giải quyết ít nhất 60% hồ sơ liệt sỹ, thương binh còn tồn đọng sau chiến tranh. Cuối năm 2017, tối thiểu 2.000 hồ sơ còn còn đọng được giải quyết.

Theo ông Huỳnh Văn Tí, hồ sơ tồn đọng chủ yếu là những hồ sơ phức tạp, được mở ra, đóng lại rồi giờ lại được mở ra nhưng trong lần giải quyết hồ sơ tồn động này phấn đấu không để hồ sở giả xen vào, đây là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

“Mặc dù hướng đã đã có quy trình đầy đủ nhưng thực hiện trong thực tiễn từng địa phương thì lại có muôn hình vạn trạng và không văn bản nào có thể chỉ rõ mọi ngóc ngách của các trường hợp. Thực tế có trường hợp một tổ công tác 4 người chiến đấu cùng một trận, hy sinh một nơi, chôn cùng một hầm mà một người được công nhận là liệt sỹ, còn 3 người còn lại chưa được phong liệt sỹ vì những nguyên nhân khách quan hồ sơ còn thiếu. Những trường hợp như thế này thì dù chỉ là một tờ đơn của gia đình cũng phải tiến hành làm hồ sơ cho gia đình người có công,” ông Huỳnh Văn Tí nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thể hiện quyết tâm cao giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng và đặc biệt lưu ý: “Cán bộ các cơ quan chức băng phải thật sự giải quyết vấn đề này bằng trái tim, lương tâm và khối óc của mình.”

“Việc giải quyết hồ sơ còn tồn đọng cũng còn nhiều khó khăn, những trường hợp dễ, đủ hồ sơ đã công nhận người có công cả rồi. Những hồ sơ tồn đõng mỗi hồ sơ mỗi trường hợp lại phải xử lý theo những cách khác nhau, có trường hợp phải xác minh tới 4 tháng nhưng chính vì hồ sơ không còn đủ, không giải quyết được thì chúng ta phải xắn tay vào giải quyết, nợ dân mãi làm sao được?” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giai-quyet-cong-nhan-nguoi-co-cong-nguoi-dan-chinh-la-ho-so-goc/431188.vnp