Giải phóng mặt bằng đầu tư đường giao thông cần sự đồng lòng của Nhân dân

Các công trình giao thông được đầu tư nâng cấp, mở mới đang tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội rõ nét tại nhiều địa phương trong tỉnh, do vậy rất cần sự đồng lòng của Nhân dân trong việc hiến đất để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng.

Năm 2023, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên được đầu tư mở mới và nâng cấp 16 tuyến đường, trong đó, nền đường mở rộng lên 6,8 m. Trước khi đầu tư các dự án, Đảng bộ, chính quyền xã và Nhân dân các thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền và Nhân dân trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường.

Các tuyến đường mới đang tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên.

Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, các công trình đầu tư nâng cấp, mở mới đường giao thông chủ yếu được thực hiện theo nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc triển khai thực hiện theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Ban đầu, khi chuẩn bị đầu tư, đa số các tuyến đường liên thôn, trục thôn trên địa bàn xã, quy mô nền đường, mặt đường nhỏ đã xuống cấp, dọc hai bên đường, người dân xây dựng nhiều công trình và trồng quế, khiến việc vận động Nhân dân hiến đất và các tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa ý thức được lợi ích của việc mở mới, mở rộng nền đường giao thông còn đề nghị Nhà nước hỗ trợ, bồi thường đất, tài sản trên đất. Qua quá trình vào cuộc vận động của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn cơ bản đã đồng thuận hiến 11,57 ha đất để giải phóng mặt bằng đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn.

Huyện Bắc Hà trong năm 2023 cũng được đầu tư mở mới, nâng cấp 10 tuyến đường từ trung tâm huyện tới các xã và đường liên xã. Tuyến đường vào trung tâm xã Tả Van Chư trước khi được đầu tư rất nhỏ hẹp, nhiều cua gấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, khi có dự án đầu tư nâng cấp, chính quyền nhận được sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng. Các hộ dân đã tình nguyện hiến đất, có hộ còn tự tháo hàng rào để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công làm đường.

Đường vào xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà được thi công nhanh chóng sau khi có mặt bằng sạch.

Ông Tráng A Chảo ở thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư cho rằng, việc mở đường rất quan trọng, người dân địa phương đang mong muốn có được tuyến đường để phát triển kinh tế du lịch, do đó các hộ đều tình nguyện hiến đất.

Ông Hà Đức Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Hà cho biết, 10 tuyến đường của Bắc Hà được nâng cấp mở rộng mặt đường từ 3 m lên 6,5 m. Công tác giải phóng mặt bằng cho các tuyến đều được thực hiện nhanh chóng nhờ nhận được sự ủng hộ của Nhân dân.

Nhiều địa phương còn khó khăn giải phóng mặt bằng

Tuyến đường từ thôn K8 đi thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng được khởi công từ tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 5/2023 nhưng đến nay, tuyến đường mới hoàn thiện một phần nền đường và rải đá nền. Nguyên nhân là do vướng mắc từ một phần đất chưa được giải phóng mặt bằng.

Còn một phần đất do Công ty Cao su Dầu tiếng quản lý chưa thể giải phóng được mặt bằng.

Tuyến đường có chiều dài 1,2 km được Nhân dân đồng lòng hiến đất, chặt bỏ cây quế từ 3 - 6 năm tuổi, hoa màu để mở đường, mặt đường và đơn vị thi công đã hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 150 m chưa đủ độ rộng theo thiết kế mặt đường, thuộc đất tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Cao su Dầu tiếng quản lý, sử dụng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần liên hệ với công ty để được tạo điều kiện mở rộng thêm 1 m vào phần đất trên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận, khiến việc thi công cả tuyến đường phải dừng lại hơn 3 tháng nay, ảnh hưởng tới việc đi lại của Nhân dân trong khu vực và gây khó khăn cho chính công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Dầu tiếng trong quá trình khai thác mủ cao su tại các cánh rừng ven tuyến đường này.

Tuyến đường quanh hồ Cán Cấu, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Duy Toàn thi công. Công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2022, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành mạng lưới giao thông khép kín, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân; góp phần phát triển du lịch cho xã và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhưng đến nay, tiến độ thi công tuyến đường rất chậm bởi gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Tìm giải pháp gỡ khó cho giải phóng mặt bằng

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đang triển khai hàng trăm công trình đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường giao thông, trong đó phần lớn các công trình đều thực hiện theo hình thức Nhân dân hiến đất 100%. Ở nhiều địa phương, khi người dân nhận thấy lợi ích của việc mở đường đã rất đồng thuận, nhưng cũng không ít địa phương đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Dự án nâng cấp đường từ Quốc lộ 4D đi xã Cao Sơn, huyện Mường Khương đang chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng.

Ông Lưu Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho rằng, việc không có tiền giải phóng mặt bằng khiến việc thi công làm đường rất khó khăn, nhưng huyện đang tìm nhiều giải pháp để hoàn thành các dự án, trong đó Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 30 tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề này.

Năm 2023, huyện Bảo Thắng triển khai nâng cấp 62 tuyến đường, tổng chiều dài 88 km; sau 6 tháng, huyện đã mở rộng nền đường được 39 tuyến, dài 65 km, đã đổ bê tông được 30 tuyến dài 34 km. Nhân dân trong toàn huyện hiến 234.520 m2 đất, đóng góp hơn 3,7 triệu ngày công lao động và ủng hộ tiền, hiện vật tương đương gần 7,2 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, việc giải phóng mặt bằng tại địa phương cũng gặp không ít trở ngại. Một trong những giải pháp mà huyện đưa ra đó là xây dựng dự án từ thôn lên, sau đó thực hiện với phương châm nơi nào dân đồng thuận trước thì làm trước.

Tuyến đường từ thôn Xả Hồ (xã Phong Niên) đi Km 11, Quốc lộ 4E (xã Xuân Quang), huyện Bảo Thắng cũng đang vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Phát triển đường giao thông là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, do đó cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, rất cần sự hiểu biết, đồng thuận của các tổ chức, người dân.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giai-phong-mat-bang-dau-tu-duong-giao-thong-can-su-dong-long-cua-nhan-dan-post370505.html