Giải pháp triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu

Cam kết nghiêm túc thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ cũng như của ngành chức năng; song, trên thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập đang phát sinh trong việc triển khai tại các địa phương.

“Rốt ráo” yêu cầu triển khai

Theo thông tin tại Tọa đàm “Triển khai Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây, hiện toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu. Trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước có hơn 6.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ - thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng. Các số liệu cũng cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 - 21 triệu m3 - tấn xăng dầu. Như vậy, nếu nhân với số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ theo chủ trương mới sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới được phát hành mỗi tháng.

Vấn đề xuất hóa đơn điện tử cho bán lẻ xăng dầu được Chính phủ rất quan tâm. Theo đó, ngày 1.12.2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trước đó, ngày 18.11.2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện “rốt ráo” yêu cầu ngành thuế triển khai chủ trương cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Gỡ khó khăn khi triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu. Nguồn: ITN

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, để việc triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu đi vào thực tiễn, thời gian này, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi các địa phương, đơn vị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo sẽ góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, việc xuất hóa đơn điện tử sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ. Quan trọng hơn, việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi mua xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, đến nay, mới có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh thực hiện với trên 2.700 cửa hàng (chiếm 16% cả nước). Là doanh nghiệp đi đầu trong triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Lưu Văn Tuyển thông tin, hiện Petrolimex có 48 công ty xăng dầu với 2.700 cửa hàng trải rộng trên cả nước. Với việc có sẵn nguồn lực về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ và giải pháp, nên khi triển khai hóa đơn điện tử, Petrolimex nhận được sự ủng hộ từ khách hàng, các doanh nghiệp vận tải đường dài và các hãng taxi.

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác lại cho rằng, quy định triển khai hóa đơn điện tử khiến doanh nghiệp phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, máy móc trong khi có thể người tiêu dùng không mặn mà với việc xuất hóa đơn, dẫn đến lãng phí. Cùng với đó, nhiều vấn đề kỹ thuật cũng phát sinh liên quan đến việc lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm ở cây xăng…

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) Hoàng Trung Dũng bày tỏ, việc xuất hóa đơn mỗi mã bơm xăng dầu khiến rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trăn trở. Bởi, để thực hiện việc xuất hóa đơn, mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng Đặng Hoài Phương cho biết, trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng/năm. Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Cam kết nghiêm túc thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ cũng như của ngành chức năng, song trên thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập đang phát sinh trong việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh xăng dầu tại các địa phương.

Để triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng đề xuất, các cơ quan chức năng cần có lộ trình thời gian cụ thể để các doanh nghiệp từng bước hoàn thiện, nhất là các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt Trần Thụy Thùy Trâm cũng đề xuất sử dụng hóa đơn điện tử một cách linh hoạt. Cụ thể, các công ty phần mềm kế toán, giải pháp, kinh doanh hóa đơn điện tử linh hoạt mở cổng API. Việc này giúp doanh nghiệp bán lẻ được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử với giá thành hợp lý, dịch vụ hợp lý, quy trình phù hợp với trụ bơm đang sử dụng.

Bảo Văn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giai-phap-trien-khai-hieu-qua-hoa-don-dien-tu-trong-ban-le-xang-dau-i355574/