Giải pháp tiết kiệm nước tưới trong mùa khô hạn

Hiện tại, Đồng Nai có 139 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng năng lực phục vụ tưới, tiêu là gần 63,9 ngàn hécta. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi hiện mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nông dân trồng bắp tại cánh đồng Lang Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, bị ảnh hưởng do khô hạn đến sớm. Ảnh: Bình Nguyên

Mùa khô năm nay, nắng nóng gay gắt, nguồn nước thủy lợi ở nhiều cánh đồng khô cạn, nông dân càng gặp khó khăn hơn trong sản xuất. Ngoài quan tâm đầu tư thêm các công trình thủy lợi, các địa phương thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguồn nước tưới. Tỉnh đang khuyến khích nhân rộng hệ thống tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất

Ông Võ Đức Thuận, nông dân tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, cho biết năm nay, khô hạn đến sớm nên nguồn nước thủy lợi cạn sớm hơn mọi năm. Theo đó, cánh đồng bắp ở khu vực này trái vừa lên hạt đã cạn nước tưới. Nhiều nông dân trồng bắp buộc phải bán cây bắp tươi thay vì chờ thu hoạch trái, bán bắp hạt như mọi năm. Thương lái thấy cây bắp ở đây thiếu nước tưới nên chỉ mua với giá thấp hơn so với giá ngoài thị trường. Vì thế, thu nhập từ trồng bắp của nông dân giảm gần một nửa so với làm bắp hạt.

Để hạn chế bị thiệt hại về mùa vụ trong mùa khô hạn, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động thay đổi thời gian gieo sạ lúa, xuống giống bắp sớm hơn, sử dụng giống ngắn ngày để né hạn, mặn.

Hiện gia đình ông Thuận cố gắng kéo đường ống nước dài cả km đưa nước từ giếng khoan tưới cho vài sào đậu bắp đã lỡ đầu tư. Nhưng do cánh đồng khô hạn vì nắng gắt, cây đậu bắp sinh trưởng chậm, năng suất kém nên việc thu hoạch cũng chẳng bao nhiêu.

Theo một số nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, năm nay, năng suất sầu riêng giảm hơn mọi năm do thời tiết nắng nóng gay gắt khiến sầu riêng rụng bông, rụng trái non nhiều hơn.

Huyện Định Quán cũng là một trong những địa phương gặp khó khăn về nguồn nước tưới trong mùa khô. Trong đó, xã Gia Canh do chưa có công trình thủy lợi nào đi vào hoạt động nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đều phụ thuộc vào nguồn nước trời và nguồn nước giếng khoan.

Theo Chủ tịch UBND xã Gia Canh Đào Ngọc Ánh, hiện nhiều cánh đồng lúa, khu vực trồng cây ăn trái trên địa bàn xã bị thiếu nước tưới. Nông dân phải khoan giếng sâu hơn để có đủ nước tưới cứu cây trồng. Thế nhưng, vì nhiều ngày không có mưa trái mùa, nguồn nước ngầm giảm mạnh cũng khiến nông dân vừa thiếu nước sản xuất lẫn nước sinh hoạt. Khó khăn nhất là hơn 40 hộ dân tại ấp 9 của xã đang thiếu nước sinh hoạt do hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước cho khu vực này lấy từ nguồn nước ngầm nhưng nước ngầm bị hụt.

Tập trung các giải pháp tiết kiệm nước

Để ứng phó trước khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn.

Mô hình Tưới nước tiết kiệm của nông dân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Ảnh:B.Nguyên

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh nhận xét, mùa khô năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài hơn hẳn mọi năm. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng loạt các giải pháp chống hạn, mặn, gồm: trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; tổ chức vận hành các công trình thủy lợi thông suốt như đóng mở các cống, đập thủy lợi hợp lý và kịp thời nhằm tích trữ được nguồn nước để đảm bảo cho sản xuất.

Ngoài ra, nông dân cần thực hiện các giải pháp giữ ẩm với các biện pháp như: giữ lớp thực bì tự nhiên, giữ cỏ, ủ gốc đến sử dụng màng che tạo bóng râm, màng phủ nông nghiệp, lưới ủ gốc, dùng chất giữ ẩm… Lựa chọn cây trồng, vật nuôi có thể hỗ trợ nhau để trồng xen, nuôi xen theo hình thức đa tầng, phát huy lợi thế cộng sinh, không cạnh tranh, xung đột trong việc sử dụng nước. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục và các chế phẩm sinh học làm tăng khả năng chống chịu hạn, chịu mặn.

Đặc biệt, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp hữu hiệu đang được nông dân nhận rộng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 59,8 ngàn hécta (chiếm gần 31,3% trên tổng diện cây trồng chủ lực của tỉnh) đã được ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm.

Nhiều địa phương trong tỉnh đang khuyến khích nông dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho cây hàng năm, lâu năm để tiết kiệm nguồn nước tưới. Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, nông dân trồng bắp chủ yếu áp dụng tưới tràn gây lãng phí nước. Vụ vừa qua, 2 xã Xuân Phú và Xuân Thọ đã thử nghiệm mô hình lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để trồng bắp giúp giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tưới tiết kiệm với phân bón được hòa tan trong nước giúp giảm hao hụt phân bón, giảm nhân công, giảm những tác hại đến cây bắp do việc bón phân trực tiếp vào cây. Mô hình này đã cho hiệu quả bước đầu và đang tiếp tục được thử nghiệm để làm mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra cho nông dân.

Nhiều nông dân còn có những giải pháp tiết kiệm nước tưới hiệu quả trong mùa khô hạn. Ông Đỗ Vĩnh Thụy, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định, cho hay ứng dụng tưới tiết kiệm và tưới đúng cách rất quan trọng. Ông đã áp dụng giải pháp tưới nước vào ban đêm cho vườn sầu riêng, vừa đảm bảo nguồn nước tưới, vừa hạn chế tình trạng hao phí nước bị bốc hơi khi trời nắng; giúp cây trồng hấp thụ được đầy đủ nước tưới đồng thời bảo vệ cây trồng không bị sốc nhiệt khi tưới nước trong trời nắng gắt. Nhờ đó, cây sầu riêng của gia đình ông vẫn sinh trưởng tốt, không xảy ra hiện tượng khô bông hay rụng trái non như một số nhà vườn khác.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202404/giai-phap-tiet-kiem-nuoc-tuoi-trong-mua-kho-han-c544a27/