Giải pháp quan trọng cho hòa bình ở Trung Đông

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Nghị quyết mới được Đại hội đồng thông qua trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên của Liên hợp quốc. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, góp phần thúc đẩy thực hiện giải pháp “hai nhà nước” nhằm đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông.

Năm 1974, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) làm thành viên quan sát. Tới tháng 11/2012, Đại hội đồng tiếp tục thông qua nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế “thành viên quan sát” tại Liên hợp quốc. Nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, đồng thời khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ tiến trình này.

Theo Hiến chương Liên hợp quốc, việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng quyết định căn cứ theo một nghị quyết đề nghị của Hội đồng Bảo an, nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc để trở thành thành viên chính thức.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, song việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine, theo đó Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của cơ quan này (tháng 9/2024), như đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm; trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường… Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).

Trong bối cảnh tình hình xung đột và nhân đạo tại Dải Gaza đang diễn biến phức tạp và nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực, việc thúc đẩy thực hiện giải pháp “hai nhà nước”, với việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Nhà nước Israel, là nhân tố vô cùng quan trọng cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết mới nhằm hướng tới kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện giải pháp “hai nhà nước”.

Nghị quyết mới nêu trên cũng phát đi một thông điệp quan trọng của cộng đồng quốc tế nhằm ủng hộ người Palestine, những người đang phải hứng chịu thảm kịch nhân đạo tồi tệ. Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ ủng hộ nghị quyết lịch sử của Đại hội đồng, ủng hộ Nhà nước Palestine sớm được gia nhập Liên hợp quốc và cam kết sát cánh cùng người Palestine trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành quyền tự quyết bất khả xâm phạm.

Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tiếp diễn căng thẳng tại Gaza, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ người dân Palestine đã diễn ra tại các quốc gia trên khắp thế giới. Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, hàng trăm người, trong đó phần lớn là người Palestine, đã xuống đường tuần hành, hô vang các khẩu hiệu bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết đối với người Palestine. Các cuộc biểu tình của sinh viên đã được đẩy mạnh trên khắp Tây Âu trong những tuần gần đây, khi những người biểu tình yêu cầu chấm dứt xung đột ở Gaza.

Cuộc biểu tình đầu tiên tại Tây Ban Nha bắt đầu vào ngày 29/4 tại Đại học Valencia ở miền đông nước này, tiếp đó là một cuộc biểu tình tương tự tại Đại học Barcelona, rồi dần lan sang thủ đô Madrid, xứ Basque ở miền bắc, Alicante ở miền đông và vùng Andalucia ở miền nam Tây Ban Nha. Hàng nghìn người tham gia biểu tình tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, chỉ trích các vụ tấn công của Israel tại Gaza, đồng thời kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine. Cộng hòa Ireland và một số nước thành viên EU khác đã lên kế hoạch công nhận Nhà nước Palestine vào ngày 21/5 tới.

Cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Palestine và Israel chỉ có thể được giải quyết dựa trên giải pháp hai nhà nước. Đây cũng được coi là con đường duy nhất chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza hiện nay. Việc kết nạp Palestine trở thành thành viên chính thức, đầy đủ của Liên hợp quốc sẽ là bước đi có lợi nhất cho giải pháp hai nhà nước, tạo nền tảng cho đàm phán bình đẳng giữa các bên và là bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình bền vững ở Trung Đông.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/giai-phap-quan-trong-cho-hoa-binh-o-trung-dong-211829.html