GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ THỰC SỰ LÀ QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU?

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có biện pháp để lan tỏa trong toàn xã hội nhận thức rằng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu trong phát triển đất nước. Đồng thời, phải đảm bảo chính sách để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Khoa học công nghệ chưa thực sự được nhận thức là quốc sách hàng đầu

Ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020. Các nội dung của Chiến lược nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020 của quốc gia. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển KH&CN của Chiến lược là cơ sở quan trọng để Bộ KH&CN và các bộ, ngành, địa phương ban hành các chiến lược ngành, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và chương trình hành động, lồng ghép các nội dung phát triển KH&CN vào kế hoạch phát triển KT-XH phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Sau 10 năm thực hiện, Chiến lược đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát triển khai các định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN đề ra trong Chiến lược và đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào phát triển KT-XH, nâng cao năng lực KH&CN của đất nước. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển KT-XH của đất nước.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng.Kết thúc kỳ thực hiện Chiến lược, có 8 mục tiêu quan trọng trên tổng số 11 mục tiêu đã đạt được.

Tuy nhiên, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, một số đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường KH&CN phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hóa. Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, tính ứng dụng chưa cao; chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong xã hội.

Bên cạnh đó, phát sinh nhiều vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức KH&CN công lập trong việc lấy tự chủ tài chính làm gốc và cắt giảm ngân sách nhà nước dẫn tới suy giảm cả về số lượng và động lực phát triển của các tổ chức này.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đưa ra vấn đề tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chỉ rõ, về nguyên nhân của những tồn tại trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ quốc gia thì tại báo cáo của Bộ gửi tới đại biểu Quốc hội đã chỉ ra 6 nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề nhận thức. Trong đó, từ "nhận thức" được báo cáo nhắc lại 44 lần. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao nhận thức về phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu lại chưa lan tỏa trong toàn xã hội và nhất là ở các cấp có trách nhiệm, biện pháp gì để nhận thức về khoa học, công nghệ được tốt hơn?

Khẳng định tổ chức khoa học và công nghệ công lập là cấu phần quan trọng của tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều duy trì và phát triển hệ thống các tổ chức khoa học, công nghệ công lập bởi trình độ phát triển của hệ thống tổ chức này phản ánh trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Nhà nước đã có những giải pháp, chính sách gì để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, đảm bảo vai trò đi đầu, đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, dẫn dắt nền sản xuất trong nước?

Cũng tham gia nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu rõ, để phát triển thị trường khoa học, công nghệ, từ năm 2011 tới nay bộ máy quản lý nhà nước về thị trường khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã ban hành, cụ thể là 4 luật, 6 nghị định và 12 thông tư. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học, công nghệ nước ta hiện nay vẫn còn hạn chế.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học, công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển. Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ gì để phát triển thị trường khoa học, công nghệ?

Phải chứng tỏ rằng khoa học, công nghệ thật sự là chỗ dựa cho phát triển đất nước

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trên thực tế đúng là nhận thức, quan tâm về lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải nói là xã hội chúng ta cũng có nhiều mức độ khác nhau.

Để khắc phục việc này, Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, trách nhiệm trước hết là của Bộ và xã hội chúng ta, các trường, các viện, v.v. làm như thế nào để chứng tỏ rằng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thật sự là chỗ dựa cho phát triển đất nước, là động lực để tạo sự bứt phá về năng suất, về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có như vậy sự quan tâm của xã hội chúng ta từng bước sẽ được nâng lên và tạo điều kiện để cho lĩnh vực rất đặc thù này phát triển, nhất là sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì nhận thức về khoa học, về công nghệ từng bước được lan tỏa, được nâng cao trong lãnh đạo, trong các tầng lớp xã hội.

Chia sẻ về những chuyến làm việc với các địa phương, Bộ trưởng cho biết Bộ rất chú trọng công tác tư tưởng rằng làm thế nào để đưa khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo vào thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Rất mừng là hầu hết các nghị quyết của địa phương đều có nội dung về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thậm chí có một số tỉnh, một số địa phương có nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng cho biết, nhận thức chung của chúng ta về khoa học, công nghệ đã có chuyển biến. Từ nhận thức đó, trong thời gian vừa rồi các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số ở địa phương đã có bước phát triển rất đáng khích lệ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thấy việc đó cần ghi nhận, động viên để phát huy nhiều hơn nữa ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Trong đó trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là triển khai các giải pháp để đẩy mạnh truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, nhất là chức năng về đổi mới, sáng tạo vừa được Chính phủ giao trong nghị định của bộ vừa rồi. Đó là nội dung mới cần phải chuẩn bị rất tốt.

Bên cạnh đó, phải làm rõ được các vấn đề như quản lý nhà nước như thế nào, triển khai về các địa phương ra sao để thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, đề ra các quy định, yêu cầu các đề tài khoa học, công nghệ phải viết bài truyền thông về khoa học, công nghệ. Đó là một số giải pháp để làm sao cho khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo trở thành nhận thức thường xuyên hơn, thường trực hơn trong xã hội.

Đối với ý kiến của một số đại biểu, trong đó có đại biểu Huỳnh Thanh Phương về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 60 năm 2021, Bộ trưởng cho biết, Nghị định này quy định về tự chủ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước. Đây cũng là một nghị định tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp có điều kiện để phát huy được tự chủ của mình để thực hiện các nhiệm vụ được giao tốt nhất.

Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam chúng ta có rất là nhiều loại hình của y tế, của giáo dục, của khoa học, công nghệ, mỗi hệ thống có một tính chất khác nhau, cho nên Nghị định 60 không có điều chỉnh được những đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ, chẳng hạn như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển, nghiên cứu triển khai, v.v. cho nên khi triển khai có rất nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, vừa qua, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng một nghị định riêng cho tự chủ của các tổ chức khoa học, công nghệ công lập theo hướng toàn diện hơn, tự chủ về tổ chức bộ máy, về nhiệm vụ, về vấn đề tài chính và quản lý tài sản. Đó chính là hướng mà Bộ xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, khoa học, công nghệ công lập.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77075