Giải pháp nào đảm bảo an toàn trường học?

Thời gian qua, nhiều vụ việc mất an toàn xảy ra trong khuôn viên trường học khiến dư luận lo lắng, bất an. Việc thắt chặt an ninh trường học để môi trường học đường thực sự là nơi an toàn, văn minh, hạnh phúc là yêu cầu bức thiết được đặt ra.

Khi trường học mất an toàn

Học sinh gặp nguy hiểm, bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần ngay tại trường học, từ tác nhân là vật sắc nhọn, bạn bè, thậm chí là thầy cô giáo,… gây nên nỗi lo lắng cho phụ huynh và xã hội.

Học sinh Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đánh bạn túi bụi ngay trong lớp học (Ảnh từ clip)

Trưa 25/10, một học sinh khối 9, Trường THCS và THPT Vĩnh Thắng, tỉnh Kiên Giang đang ngồi nghỉ sau giờ học thể dục bất ngờ bị dao quăng trúng đầu. Em được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang trong tình trạng dao cắm vào thái dương phải. E-kip trực sau khi chụp CT não xác định dị vật đâm vào xương sọ, chưa chạm nhu não. Sau ca phẫu thuật, rất may em đã an toàn và đang phục hồi sức khỏe.

Lên tiếng xác nhận sự việc hy hữu, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Thời điểm đó, trường huy động học sinh một số lớp trồng hoa, cây cảnh trong sân trường. Tuy nhiên, trong lúc chặt cây, học sinh bất cẩn làm dao sút cán, dẫn đến sự việc như trên.

Tối 29/10, mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại cảnh một học sinh nam mặc đồng phục thể dục của Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bị bạn đánh tới tấp vào mặt và đầu ngay tại lớp học.

Sự việc bắt nguồn từ việc nam sinh bị bạn đánh nhặt được 500.000 đồng. Sau đó, hai em xảy ra xích mích và đánh nhau. Nam sinh đánh bạn còn chửi thề và tỏ thái độ hung hãn. Điều đáng nói, xung quanh hai em lúc đó có nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không ai can thiệp.

Trước đó, sự việc xảy ra tại trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất vẫn gây ám ảnh dư luận khi em V.V.T.K, học sinh lớp 7 bị các bạn đánh (trong và ngoài trường) dẫn đến hoảng loạn, lo lắng, rối loạn phân ly, phải đi điều trị lâu dài. Hay sự việc cô giáo kéo lê học sinh xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn vẫn khiến dư luận chưa thể nguôi ngoai.

Sau khi các sự việc xảy ra, cơ quan quản lý và các nhà trường đã có những hình thức xử lý đối với các đối tượng vi phạm. Đơn cử, với sự việc tại Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh), Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đã đề nghị nhà trường tiến hành thành lập Hội đồng kỷ luật xử lý vụ việc nhằm răn đe và giáo dục các em.

Trong đó, hai học sinh trực tiếp liên quan vụ việc tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp, xem xét tạm dừng học tại trường thời hạn 1-2 tuần, hạ bậc hạnh kiểm học kỳ 1 và tiếp tục theo dõi quá trình để có đánh giá sự tiến bộ trong học kỳ 2. Học sinh quay clip và đứng xem tùy theo mức độ vi phạm sẽ nhận hình thức kỷ luật, xem xét khiển trách và thông báo với phụ huynh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm.

Hay vụ việc tại Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất), Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp xét kỷ luật, quyết định tạm cho nghỉ học ở trường có thời hạn (4 ngày) đối với các học sinh đánh K để kết hợp các biện pháp giáo dục khác. Trường cũng tổ chức họp tập thể hội đồng sư phạm nhà trường rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. UBND huyện Thạch Thất có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám hiệu trường này trong công tác quản lý tình hình an ninh trật tự nhà trường.

Đẩy mạnh nhiều giải pháp

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ: Để có giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học, cần phân loại các tác nhân khác nhau gây nên nguy cơ mất an toàn đối với học sinh.

Trường học phải thực sự trở thành nơi an toàn, hạnh phúc với thầy cô và học sinh

Với nguy cơ mất an toàn đến từ cơ sở vật chất như cây đổ, quạt rơi, ghế đá gãy… khiến học sinh bị tai nạn thì cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát toàn diện hệ thống hạ tầng các nhà trường; nếu phát hiện khu vực hoặc hạng mục nào xuống cấp, ẩn chứa nguy hiểm phải lập tức có phương án khắc phục, sửa chữa, thay thế, tránh thái độ chủ quan, trì hoãn từ phía con người. Trong vấn đề này, vai trò, tinh thần chủ động của hiệu trưởng rất quan trọng.

Với những hành vi không cố ý (đá dao văng vào đầu bạn), cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, tuyệt đối không có thái độ đùa giỡn với những dụng cụ có nguy cơ gây tai nạn thương tích.

Với các hành vi bạo lực (đến từ cả thầy và trò), các nhà trường cần chú trọng công tác phòng chống bạo lực học đường, nghiêm túc triển khai phòng tham vấn tâm lý học đường, tăng cường bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để trang bị cho thầy cô kỹ năng trong làm chủ cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc; luôn quan tâm, hỗ trợ học sinh, kịp thời phát hiện và hóa giải mâu thuẫn ngay khi vừa nảy sinh.

Các chuyên gia cho rằng, trước những vụ việc và nguy cơ mất an toàn trường học đã xảy ra, nếu giải pháp chỉ là nhắc nhở hay kiểm điểm khô cứng, nguyên tắc và hời hợt thì rất khó chấm dứt tình trạng trên. Để môi trường học đường an toàn, hạnh phúc cần tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất. Con người ở đây không chỉ là thầy cô – bạn bè mà còn là cả cha mẹ và nhiều cơ quan, tổ chức xã hội khác. Trong xử lý các vấn đề trên, bên cạnh tính kỷ luật thì rất cần tính nhân văn.

Theo UNESCO, trường học hạnh phúc là nơi có các mối quan hệ con người tích cực, có phương pháp dạy và học phù hợp, có môi trường an toàn và thân thiện. Bởi vậy, khi xây dựng trường học hạnh phúc cần chú ý cả ba yếu tố: Con người – Hệ thống – Môi trường (được cụ thể hóa bằng 22 tiêu chí), trong đó, đặc biệt cần quan tâm đến môi trường an toàn, không có bắt nạt/bạo lực học đường. Phòng chống bạo lực học đường là một yếu tố then chốt để tạo nên một trường học an toàn, hạnh phúc.

Chấn chỉnh hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 3659/UBND-KGVX gửi Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường thực hiện văn hóa, chấn chỉnh một số hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học.

Cụ thể: UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, đánh giá, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp.

Các đơn vị chú trọng phát hiện các tấm gương sáng, điển hình về đạo đức nhà giáo; nghiêm túc phòng, chống bạo lực học đường, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và kỹ năng biết tự ứng phó, xử lý tình huống cho học sinh khi gặp các tình huống có liên quan đến bạo lực học đường.

Tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo; thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, hạnh phúc; thực hiện tốt việc phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội.…

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-nao-dam-bao-an-toan-truong-hoc.html