Giải pháp nào cho vùng sông nước thiếu nước?

Đó là thông tin mà ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam chia sẻ trong hội thảo Sống chung với hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long do báo Tiền phong tổ chức vào sáng 27/3, tại Cần Thơ.

ĐBSCL sống trên nước nhưng thiếu nước

Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong 10 năm gần đây, tình hình hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra khốc liệt.

"Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%", ông Quyền nói.

Cánh đồng thiếu nước ở Trà Vinh.

Xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020).

Ông Quyền cho biết, diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn các tháng còn lại của mùa khô 2024 sẽ rất gay gắt và phức tạp. Đợt triều ngày 23-24 (15/2 âm lịch) đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài.

Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh Nam sông Hậu. Ông Quyền dự báo, ngày bắt đầu mùa mưa tại Nam Bộ khả năng sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ tuần giữa tháng 5), nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, ĐBSCL đang có nghịch lý là vùng sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Điều này do hạn, mặn và phèn gây ra.

Ông Tuấn cho biết, hiện mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn thì khác nhau và ngày càng tăng lên. Lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi.

Về các dự án cấp nước cho vùng, ông Tuấn cho biết đã có bốn quyết định được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, nổi lên là đề xuất xây dựng hệ thống những nhà máy nước liên thông để cấp nước cho các nhà máy nước.

Theo tính toán, nhu cầu đến năm 2030 cả vùng cần 2,5-2,7 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2040 cần 3-3,2 triệu m3/ngày đêm.

Theo ông Tuấn, quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đã có và chia ba vùng gồm bắc sông Tiền, vùng giữa và vùng tây nam sông Hậu. Ý tưởng xây dựng năm nhà máy nước đã được Ngân hàng Thế giới (WB) sang nghiên cứu.

Nông dân miền Tây đang phải chống chọi với mùa khô năm 2024.

"Nhưng nếu xây một nhà máy cho cả vùng lớn thì khó, do vậy phát huy nhiều nhà máy, vì các nhà máy cần nguồn nước lấy về để xử lý, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cũng cho rằng cần kết hợp nước cho sản xuất nông nghiệp với sinh hoạt. Cần nghiên cứu một hệ thống cấp nước liên thông (có thể nước thô, nước sạch) cho cả vùng bắc sông Tiền và vùng giữa.

Chống hạn mặn như thế nào?

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, ĐBSCL chịu tác động của ba yếu tố chính, gồm nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông, nước biển dâng - biến đổi khí hậu và tình hình nội tại do phát triển kinh tế xã hội. "Là vùng non trẻ nên chịu tác động rất lớn", ông Hoằng nói.

Từ những dự báo sớm, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã có những chỉ đạo điều hành sản xuất hợp lý. Riêng hai thứ trưởng của Bộ đã chủ trì hai cuộc hội nghị tại ĐBSCL để chủ động triển khai các giải pháp cũng như thực hiện Công điện của Thủ tướng về ứng phó với hạn mặn.

Về giải pháp công trình, trong vùng đã được đầu tư những dự án thủy lợi lớn như: Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả cho vùng Hậu Giang, Kiên Giang; hay cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang mặc dù chưa xong nhưng đã kịp thời kiểm soát, nhất là bảo vệ nhà máy nước Đồng Tâm Tiền Giang.

"Cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn", ông Hoằng đề xuất.

Cống Cái Lớn ngăn mặn ở Kiên Giang.

Song song đó, các địa phương ĐBSCL cũng có những biện pháp quyết liệt để chống hạn mặn.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, tháng 2/2024, hạn mặn xuất hiện nhánh sông Cái Côn (huyện Châu Thành), đo được 1,3 gam/lít, tăng 1,1 gam/lít so với năm 2023.

Hậu Giang được hưởng lợi từ cống Cái Lớn, Cái Bé và cống Ninh Quới - Bạc Liêu nên kiểm soát được mặn. "Tỉnh cập nhật liên tục thông tin cảnh báo và quán triệt, theo dõi thường xuyên và chuẩn bị nước sạch cho người dân và đã khoan 6 giếng dự phòng.

Nếu độ mặn tăng đột biến, địa phương sẽ cung cấp nước này cho người dân để phục vụ sản xuất. Các hệ thống cống trên địa bàn tỉnh hiện nay có người trực đảm bảo 24/24h; địa phương lập nhóm mạng xã hội để thông tin độ mặn thường xuyên", ông Long cho hay.

Hậu Giang cũng kết hợp với Trường đại học Cần Thơ tập trung 10 trạm quan trắc tự động. Trong năm, Bộ NN&PTNT sẽ đầu tư cho Hậu Giang công trình nạo vét kênh trục dẫn nước sông Hậu về nhằm ngọt hóa Hậu Giang và Bạc Liêu, Cà Mau.

Về tình hình sản xuất, năm nay dự báo mặn nên địa phương đẩy lịch thời vụ sớm hơn 20 ngày để tránh mặn.

Còn ông Đỗ Minh Điền, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, tỉnh đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước. Thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, khi thấp đến mức báo động thì báo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý. Đồng thời, thực hiện giảm trọng tải xe từ 8 tấn còn 5 tấn trên một số đường trên bờ kênh, để tránh sạt lở.

"Chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư các công trình hỗ trợ trữ nước. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho ba huyện thiếu nước nghiêm trọng.

Chúng tôi cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trong đó đề xuất trung ương hỗ trợ khoảng 197 tỷ đồng thực hiện năm ô thủy lợi để trữ nước trong mùa khô; hỗ trợ kinh phí từ dự án nước sạch nông thôn khoảng 241 tỷ đồng".

Ông Bùi Văn Thắm, Phó giám đốc Sở NN&PT tỉnh Bến Tre cho biết thêm, tỉnh đề ra hai giải pháp, trước tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước thành phố Bến Tre và các khu công nghiệp. Song song đó, phải bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hiện, tỉnh cơ bản đảm bảo được các phương án dự phòng đưa ra, nhưng nếu thời gian mưa trễ, nắng kéo dài thì sức chịu đựng của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân gặp khó khăn.

Theo ông Thắm, Bến Tre được Bộ quy hoạch hệ thống thủy lợi nam - bắc khép kín. Phần bắc Bến Tre cơ bản được đầu tư hoàn thiện, còn phần nam Bến Tre nếu được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo nguồn nước khi đó công tác phòng chống hạn mặn sẽ đỡ vất vả hơn.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-nao-cho-vung-song-nuoc-thieu-nuoc-192240327121809599.htm