Giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, ngày 12/9, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp) và Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại 'Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp'.

TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành phát biểu tại hội nghị

Phát biểu đề dẫn buổi đối thoại, TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp) cho biết, tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực tế, tuân thủ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và tuân thủ nghiêm pháp luật.

Hiện tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. Trong các Hiệp định thương mại tự do đặt ra những yêu cầu cao hơn về một số vấn đề, trong đó có môi trường, lao động. Nếu tuân thủ pháp luật Việt Nam thì có thể chưa cập nhật thế giới. TS Nguyễn Thanh Tú đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta hướng tới giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình tuân thủ pháp luật, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hành trang pháp lý để tự tin bước ra và khẳng định trên thị trường quốc tế".

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ tại hội nghị

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn cho biết, ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần theo hướng tích cực, nhưng chưa thực sự phổ biến, chưa tạo thành tâm lý tuân thủ pháp luật một cách triệt để. Hơn nữa, việc quản lý tuân thủ pháp luật ở Việt Nam theo kiểu “nắm người có tóc” khiến doanh nghiệp càng có tên tuổi càng mất nhiều chi phí tuân thủ pháp luật hoặc doanh nghiệp “không muốn lớn”… Xuất phát từ những thực tế trên, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị quan tâm hơn đến việc người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện pháp luật như thế nào; có cơ chế quản lý thiên về quản lý rủi ro, có tiêu chí rõ ràng, công khai (như ngành Hải quan đang áp dụng theo luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ) để doanh nghiệp gìn giữ, có động lực tuân thủ pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt nhìn nhận, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã tạo ra hành lang cho các doanh nghiệp hoạt động song doanh nghiệp rất cần có hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động.

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Thanh còn có các nội dung quy định pháp luật còn bất cập so với thực tế. Đồng thời mong muốn các quy định pháp luật mang tính thực thi cao, đi vào hệ thống doanh nghiệp một cách đơn giản, cụ thể, để doanh nghiệp hạn chế nhiều chi phí không tên.

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm khẳng định: "Chính sách rõ ràng là có. Chính phủ ngày càng quan tâm doanh nghiệp với các chính sách hỗ trợ quá tốt. Nhưng vấn đề cần là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi. Tôi rất mong các cơ quan quản lý chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Chúng ta phải có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật. Cán bộ phải gương mẫu, tự giác, làm đúng tinh thần trách nhiệm. Phải đồng thời cải thiện từ hai phía, cả người thực thi pháp luật và cơ quan quản lý".

Ông Phan Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì quan trọng phải có hành lang pháp lý thông thoáng, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế. Đơn vị quản lý, giám sát doanh nghiệp thực thi pháp luật phải kịp thời "gỡ vướng", hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải tìm hiểu, nhận thấy doanh nghiệp đang vướng mắc như thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, có chế tài đủ mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm trong giải quyết công việc, giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Cổ phần và đào tạo Nhân lực Lê Dung đồng tình ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn về triết lý quản lý kinh doanh. Theo bà Lê Dung, Chính phủ đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh vai trò truyền thông chính sách. "Chúng tôi cần truyền thông chính sách, truyền thông để chúng tôi hiểu rõ các quy định pháp luật và truyền thông cũng để thể hiện chúng tôi là một đối tượng, là "khách hàng" của một số cơ quan quản lý. Tôi mong muốn cơ quan quản lý sẽ chăm sóc chúng tôi như một khách hàng.

Ghi nhận và đồng tình với các ý kiến phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nhấn mạnh: "Chúng ta không đề cập việc có tuân thủ hay không tuân thủ mà chúng ta bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề là làm thế nào để tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật một cách thuận lợi nhất. Qua chia sẻ của các doanh nghiệp có thể thấy, doanh nghiệp đều rất nhọc nhằn trong quá trình tuân thủ và thực thi các quy định của pháp luật. Chúng tôi rất chia sẻ và cảm thông với những băn khoăn của các doanh nghiệp. Những ý kiến đóng góp tại chương trình, sẽ được chúng tôi chắt lọc, sử dụng trong quá trình góp ý xây dựng luật".

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giai-phap-nang-cao-hieu-qua-chat-luong-tuan-thu-phap-luat-cua-doanh-nghiep-694138.html