Giải pháp nâng cao công tác giải quyết án hình sự về đất đai

Các bị cáo trong vụ vi phạm về quản lý đất đai xảy ra ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa). Ảnh: LỆ VĂN

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn tồn tại, hạn chế, gây ra nhiều hậu quả về kinh tế, xã hội. Nhiều vụ, việc do những người có chức vụ, vị trí cao trong các cơ quan, đơn vị bị phát hiện đưa ra xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy cần có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết vụ án hình sự liên quan đến quản lý đất đai…

Nhiều vi phạm có dấu hiệu hình sự

Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã phát hiện nhiều dạng vi phạm về quản lý đất đai có dấu hiệu hình sự, như: Vi phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất…

Điển hình như vụ vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong việc chuyển mục đích sử dụng đất xảy ra tại TX Sông Cầu. Theo đó, từ năm 2018-2019, cán bộ, công chức Phòng TN-MT và lãnh đạo UBND TX Sông Cầu khi được phân công thụ lý giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, biết rõ hồ sơ không phù hợp quy hoạch, không có trong mục đích sử dụng đất nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã tham mưu và ký tổng cộng 324 quyết định chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 387.762,8m2 đất trái quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1377 ngày 15/8/2013, Quyết định 1754 ngày 5/9/2018 và trái kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt tại Quyết định 2590 ngày 29/12/2017, Quyết định 2469 ngày 28/12/2018. Hành vi này đã vi phạm Điều 69, Nghị định 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; vi phạm khoản 1, Điều 2 Nghị định 01 ngày 6/1/2017 của Chính phủ quy định trường hợp Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì việc xác định loại đất được căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, vi phạm Điều 7, Thông tư 30 ngày 2/6/2014 của Bộ TN-MT quy định về văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, về điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Hay như vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa (nay là TX Đông Hòa).

Nội dung vụ sai phạm trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau: Ngày 5/9/2012, UBND tỉnh có Thông báo 50 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đền bù tại xã Hòa Tâm do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư. Trong đó, giao cho UBND huyện Đông Hòa thực hiện thu hồi đất. Ngày 4/4/2013, UBND huyện Đông Hòa ký Thông báo 154 ủy quyền cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện làm chủ đầu tư thực hiện hạng mục giải phóng mặt bằng và di dời vật kiến trúc dự án. Ngày 1/7/2013, trung tâm đã có Quyết định 34 và Quyết định 35 thành lập 2 tổ kiểm tra dự án, mỗi tổ gồm 17 thành viên do giám đốc trung tâm là tổ trưởng. Tiếp đó, khi trung tâm chưa lập hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cũng như chưa niêm yết công khai khi lấy ý kiến những người bị thu hồi đất thì ngày 4/10/2013, Chủ tịch UBND huyện đã ký Quyết định 806 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giai đoạn 1 gồm 238 trường hợp với số tiền hơn 95 tỉ đồng.

Mặc dù không đúng quy định, nhưng Chủ tịch UBND huyện vẫn dùng Quyết định 806 để làm căn cứ bồi thường nên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã lập chứng từ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ 15 đợt cho 254 trường hợp với tổng số tiền hơn 96 tỉ đồng. Trong đó, các bị can đã lập hồ sơ và chi trả tiền bồi thường về đất không đủ mật độ cây trồng, đất lấn chiếm, nhà xây trái phép cho 3 trường hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương 9 trường hợp; hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức cho 1 đối tượng và đứng tên 4 người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật, làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Đáng, Phó Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (Viện KSND tỉnh), hành vi bỏ qua thẩm định, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi là vi phạm Điều 38, Điều 17 Luật Đất đai 2003; Điều 20, Điều 40 Nghị định 191 ngày 13/12/2004 của Chính phủ; Điều 16, Điều 30 và Điều 31 Nghị định 69 ngày 13/8/2009 của Chính phủ; Điều 4, Nghị định 163 ngày 1/10/2009 của Bộ TN-MT, Điều 20, Điều 22 và Điều 28 của Quyết định 10 ngày 23/4/2013 của UBND tỉnh, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và có dấu hiệu của tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự…

Kiến nghị sớm hoàn thiện Luật Đất đai

Theo ông Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, những sai phạm về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân, như: Hệ thống pháp luật về đất đai còn chồng chéo, nguồn gốc đất của những người đang sử dụng đôi khi trải qua nhiều thời kỳ khác nhau mà quy định pháp luật về đất đai thường xuyên bị thay thế, sửa đổi, bổ sung qua từng thời kỳ lịch sử nên rất khó khăn trong việc nắm bắt, tiếp cận khi xử lý vụ việc. Hay tội phạm liên quan lĩnh vực đất đai rất phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành nên việc phát hiện, nhận dạng tội phạm trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn...

Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến vi phạm các quy phạm về quản lý đất đai cần có giải pháp căn cơ. Trong đó cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của kiểm sát viên và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo viện trong việc giải quyết các vụ án liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý đất đai; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý đất đai; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và trong ngành Kiểm sát. Song song đó, cần chú trọng công tác lựa chọn, đào tạo cán bộ, kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Đồng thời tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự liên quan đến đất đai…

“Ngoài các giải pháp vừa nêu, Viện KSND tỉnh còn đề xuất, kiến nghị sớm hoàn thiện Luật Đất đai nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa các luật có liên quan cũng như các văn bản dưới luật có liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 01 ngày 13/12/2017 của liên ngành Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế theo hướng bổ sung, hướng dẫn cách tính thiệt hại để làm cơ sở xử lý”, ông Lê Trung Hưng cho biết thêm.

Kiểm sát viên khi được phân công giải quyết các vụ án liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý đất đai cần nghiên cứu thận trọng, phải thu thập đầy đủ và nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai qua các thời kỳ. Trên cơ sở đó, đối chiếu với tài liệu, chứng cứ, các tình tiết của vụ án để xem xét, đánh giá, viện dẫn được các quy định pháp luật cụ thể làm cơ sở để đề xuất quan điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Có như vậy mới bảo đảm việc giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng quy định pháp luật.

Ông Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/271327/giai-phap-nang-cao-cong-tac-giai-quyet-an-hinh-su-ve-dat-dai.html