Giải pháp mới chống xói lở bờ biển

Hiện nay, tình trạng xói lở bờ và đê biển do biến đổi khí hậu tại các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Do vậy, giải pháp làm kè chắn sóng là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn những hiện tượng xói lở đó.

Giải pháp “Chân kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển” của Busadco được đánh giá là khắc phục được các nhược điểm của các giải pháp truyền thống với chi phí thấp, dễ thi công, lắp đặt nhanh gọn và tăng cường độ bền vững công trình.

Các giải pháp hiện nay

Trong xây dựng các công trình thủy lợi kè giữ mái dốc để bảo vệ bờ và đê biển, mái bờ sông, mái kênh mương phục vụ nông, lâm, thủy lợi tại Việt Nam chủ yếu sử dụng loại chân kè được thi công tại chỗ theo các giải pháp truyền thống, sử dụng nhiều loại kết cấu như chân kè bằng tường chắn bê tông hoặc đá hộc, cọc cừ, ống buy...

Các giải pháp này trong thiết kế thường thiên về kết cấu “cứng”. Thực tế dễ xảy ra rủi ro phá vỡ kết cấu do sạt lở, xói mòn, lún sụt cục bộ; thi công tại chỗ khó khăn phức tạp, khó kiểm soát chất lượng, tiến độ công trình; khả năng chống xâm thực bị hạn chế; chi phí đầu tư xây dựng cao; tuổi thọ công trình thấp; kinh phí duy tu, sửa chữa lớn và khó khăn trong biện pháp thực hiện dẫn đến không chủ động được tiến độ dự án và chất lượng công trình; các kè chắn bê tông cốt thép xây dựng trong môi trường xâm thực vùng biển, hiện tượng ăn mòn cốt thép và bê tông dẫn đến làm nứt vỡ và phá hủy kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, làm bê tông bị hư hỏng sớm, không đảm bảo tuổi thọ công trình.

Thi công chân kè lắp ghép bảo vệ đê và bờ biển tại tỉnh Thái Bình.

Khắc phục hạn chế của giải pháp truyền thống

Là một đơn vị chuyên ngành về công nghệ bê tông đúc sẵn thành mỏng (sản phẩm đang được Bộ Xây dựng khuyến khích sử dụng trong các công trình), sau thời gian nghiên cứu, kỹ sư Hoàng Ðức Thảo cùng các cộng sự là cán bộ, kỹ sư, công nhân của Busadco đã cho ra đời sản phẩm “Chân kè lắp ghép bảo vệ bờ biển và đê biển”. Với giải pháp công nghệ mới về sản xuất - thi công, chân kè chắn có khả năng chống sạt lở, xói mòn, lún sụt, chống thấm, chống ăn mòn, chống xâm thực cao hơn nhưng bền vững hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn, có khả năng đúc sẵn lắp ghép thuận tiện đơn giản và được sản xuất với chi phí thấp có khả năng thay thế hoàn toàn các giải pháp truyền thống, khắc phục triệt để các hạn chế của phương án truyền thống.

Giải pháp này có cấu tạo sử dụng hệ liên kết lắp ghép đồng bộ: hình khối, cột trụ, đà giằng nhằm giữ ổn định, chống đẩy nổi, chống trượt, chống xói chân, cho phép chuyển vị đứng, đảm bảo hệ liên kết chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn...v.v.. được đúc sẵn lắp ghép theo module (đốt) các module có cấu tạo khối bê tông rỗng với bốn mặt thành bên đổ bê tông riêng phần mặt đáy để hở, có các kích thước, hình dạng thay đổi theo từng loại công trình sử dụng với các kiểu dáng khác nhau (hình chữ nhật, hình vuông, hình thang, hình thang vuông, hình chữ A...).

Vừa có tính năng giảm sóng vừa có tác dụng là khớp nối mềm, đồng thời cho phép nước ngầm từ phía bên trong kè có khả năng thấm, thoát qua các khe nối, dọc theo khe nối các module kè phía đê bố trí vải địa kỹ thuật để ngăn cát, đất thoát theo nước qua khe nối, trên mặt kè hoặc thân kè có các lỗ chờ để đóng cọc chống và lỗ bơm vật liệu nhằm mục đích để đưa các vật liệu (cát, đất đá chọn lọc, bê tông...) vào bên trong kè.

Theo đánh giá của GS.TS Ngô Trí Viềng - Đại học Thủy lợi, là người đã từng nghiên cứu ổn định đê biển và hiện đang chủ trì đề tài KHCN cấp Nhà nước về giải pháp công nghệ bảo vệ đê biển khi có sóng và triều cường tràn qua đê, tôi đánh giá cao giải pháp công nghệ “Chân kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển” của Busadco, vừa có tính khoa học và thực tiễn cao. “Giải pháp công nghệ này chưa từng có ở Việt Nam và có thể khắc phục được các nhược điểm của các giải pháp truyền thống với chi phí thấp, dễ thi công, lắp đặt nhanh gọn và tăng cường độ bền vững công trình”, GS Viềng nhấn mạnh.

Ngoài các yếu tố trên, chân kè lắp ghép này còn có khả năng tạo được hệ chân kè có chiều cao phù hợp với từng công trình nhờ khả năng lắp ghép nhiều module kè theo kiểu chồng tầng giật cấp, đồng thời tăng hiệu quả giảm sóng, chắn sóng; được thiết kế phần mái kè phía biển có độ dốc, có gân ngang và dọc có tác dụng giảm sóng; được trải vải địa kỹ thuật tại khe nối giữa các module kè phía bãi đê để ngăn cát, đất theo nước thoát qua khe nối.

GS.TS Vũ Đình Phụng - Trưởng Bộ môn Công trình Giao thông, Đại học Thủy lợi nhận xét: “Giải pháp này ứng dụng tương đối toàn diện, loại trừ các nhược điểm xưa nay từng xảy ra khi xây dựng kè bảo vệ bờ và đê biển Việt Nam: kết cấu lắp ghép không cho phép chuyển vị theo chiều ngang, dọc mà chỉ cho phép chuyển vị theo chiều thẳng đứng, sử dụng bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn, cấu tạo hệ liên kết hình khối trụ, cột trụ, đà giằng luôn giữa được thành một khối ổn định, chịu được tác động của sóng gió và dòng chảy, sử dụng bê tông cốt sợi và vật liệu chống ăn mòn, xâm thực của môi trường biển”.

Đặc biệt, giải pháp chân kè lắp ghép bằng bê tông cốt sợi có tính thực tế rất cao, thích ứng được với tất cả môi trường khắc nghiệt. Do sử dụng vật liệu mới chống ăn mòn và chống xâm thực môi trường biển, bằng sợi Polypropylene thay thế cho cốt thép dùng trong bê tông và dùng xi măng bền sulfat hoặc xi măng pooclăng thông thường bổ sung phụ gia có chất lượng tương đương.

Việc sử dụng sợi Polypropylene có các ưu điểm là tính bền kiềm, không hút nước và hoàn toàn không bị ăn mòn như cốt thép. Ngoài ra, sợi Polypropylene còn có tác dụng giúp bê tông giảm co ngót, giảm sự hình thành các loại vết nứt, gia tăng khả năng chống thấm, khả năng chịu kéo, nén và uốn của bê tông làm gia tăng độ bền cho bê tông. Xi măng bền sulfat là loại xi măng có các tính chất tương tự như xi măng pooclăng nhưng rất bền trước sự xâm thực của các muối sulfat, môi trường nước mặn, nước lợ, nước nhiễm chua, phèn..

“Chân kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển” là giải pháp mới do Kỹ sư Hoàng Ðức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT cùng các cộng sự là cán bộ, kỹ sư, công nhân vừa “trình làng”. Giải pháp này được giới khoa học - công nghệ về đê biển Việt Nam trong cả nước đánh giá cao.

Mạnh Cường

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/giai-phap-moi-chong-xoi-lo-bo-bien.html