Giải pháp hành chính không giảm tình trạng “đô la hóa”

(LĐO) - Một công trình nghiên cứu với chủ đề Giải quyết các vấn đề đa tiền tệ tại các nền kinh tế chuyển đổi vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày15-10.

Đây là một nghiên cứu tiên phong về hiện tượng đa tiền tệ, trong đó đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác tài chính và tiền tệ. Tại Việt Nam, CHDCND Lào và Cam-pu-chia những đồng tiền của các nước khác, đặc biệt là đồng đôla được sử dụng rộng rãi. Tỷ trọng ngoại tệ dao động từ khoảng 20% nguồn tiền lưu thông tại Việt Nam, khoảng 50% tại CHDCND Lào và hơn 90% tại Campuchia. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, giải quyết tình trạng đô la hóa và đa tiền tệ là một vấn đề thuộc chính sách kinh tế quốc gia, và Việt Nam đã có những tiến bộ tốt trong quá trình phi đô la hóa. Tuy nhiên, ông Konishi nhấn mạnh, các cơ quan quản lý, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã nhận thức đầy đủ rằng các giải pháp hành chính sẽ không thể đạt hiệu quả để giảm tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với đồng tiền Việt Nam thông qua tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tỷ giá, cải cách chính sách tiền tệ và tăng cường năng lực của các thể chế tài chính. Nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng nhiều đồng tiền có thể giảm khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý kinh tế đối với các chính sách tỷ giá và tiền tệ; điều này cũng giảm khả năng của ngân hàng trung ương với tư cách là “người cho vay cuối cùng” trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngân hàng. Lê Thảo

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/giai-phap-hanh-chinh-khong-giam-tinh-trang-do-la-hoa/16737