Giải pháp căn cơ cho 'cuộc chiến' taxi

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ hé lộ nhiều vấn đề pháp lý thú vị.

Đồ họa: Châu Châu.

Trước hết, việc phân chia dịch vụ vận chuyển thành dịch vụ taxi và xe chạy theo hợp đồng là vô lý. Về bản chất pháp lý, khách hàng leo lên taxi, thỏa thuận giá cả và đường đi xong thì một hợp đồng vận chuyển đã được giao kết – thế nên xe chạy theo hợp đồng cũng là taxi và taxi cũng là xe chạy theo hợp đồng.

Việc định nghĩa dịch vụ taxi là “hình thức có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách, cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi” không nêu ra được bản chất của hoạt động taxi mà chỉ là sự liệt kê về bề ngoài của phương thức tính tiền giữa lái xe taxi và khách hàng. Tiếp theo, Uber và Grab đã chứng minh một điều là các quy định hiện nay về kinh doanh dịch vụ vận tải (taxi hoặc xe chạy hợp đồng) không phải là điều kiện buộc phải có để có thể cung cấp dịch vụ taxi. Để kinh doanh taxi như Uber và Grab, chỉ cần một phần mềm, một xe ô tô và một lái xe - đó là những điều kiện tối giản cho việc kinh doanh taxi.

Hiện nay đang có tới 16 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà taxi truyền thống đang bị ràng buộc, còn Uber và Grab taxi thì không” -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết.

Nói khác đi, các điều kiện kinh doanh taxi trong thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều gánh nặng cho các hãng taxi và làm méo mó thị trường taxi. Uber và Grab đã giúp phá vỡ các ràng buộc đó và tạo ra cơ hội cho cơ quan nhà nước nhìn nhận lại các điều kiện kinh doanh này.

Luật Đầu tư 2014 ra đời buộc cơ quan nhà nước khi ban hành điều kiên kinh doanh thì phải có lý do như lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Dù vậy, rất nhiều điều kiện kinh doanh mới vẫn được ban hành khi không có các lý do như nêu trên.

Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1/3 đến 1/2 của bao nhiêu điều kiện kinh doanh? Theo thống kê thì số lượng đã lên đến 5.000 điều kiện kinh doanh. Hãy thử hình dung, bỏ đi được 2.500 điều kiện kinh doanh thì người dân, doanh nghiệp bớt đi biết bao nhiêu gánh nặng.

Câu hỏi đặt ra là đến khi nào bỏ được ½ điều kiện kinh doanh? Bộ nào, ngành nào dẹp bao nhiêu điều kiện kinh doanh trên tổng số của chính ngành mình?

Trở lại cuộc chiến taxi, để duy trì sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, cân bằng quyền lợi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, việc cần làm là phải loại bỏ việc phân biệt taxi và xe hợp đồng, loại bỏ tối đa những điều kiện kinh doanh áp dụng cho hoạt động taxi nói riêng và dịch vụ vận tải nói chung.

Khi đó, taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ cạnh tranh sòng phẳng trong một môi trường tự do. Nhà nước sẽ không cấm đoán taxi công nghệ hoặc quản lý taxi truyền thống vì chính thị trường và khách hàng sẽ quyết định xem ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó.

LS Nguyễn Quang VP luật sư Quang và Cộng sự

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/giai-phap-can-co-cho-cuoc-chien-taxi-118660.html