Giải oan nhờ phim truyền hình

Những ngày đầu năm 2024, Đài Truyền hình ITV của Anh phát bộ phim truyền hình bốn tập, Mr. Bates vs The Post Office, chuyển một câu chuyện có thật thành phim. Đây là câu chuyện kéo dài trong hơn 15 năm, với hàng trăm người làm cho Bưu điện Anh quốc bị buộc tội ăn cắp, lừa đảo phải vào tù trong khi thật ra đây là lỗi phần mềm của Bưu điện. Bộ phim gây xôn xao dư luận, buộc Chính phủ Anh phải hứa sẽ sớm có luật giải oan cho những người bị cáo buộc sai và bồi thường xứng đáng cho họ.

Hệ thống Bưu điện Anh quốc được tổ chức rất độc đáo. Bản thân Bưu điện Anh quốc (Post Office Limited) là một doanh nghiệp nhà nước nhưng ngoài một ít chi nhánh trực thuộc, đến 99% trong số hơn 11.500 chi nhánh của họ là những bưu điện “nhượng quyền”, tức giao cho tư nhân điều hành, gọi là các subpostmaster.

Các bưu điện chi nhánh này ngoài chuyện bán tem, nhận thư, bưu kiện như các bưu điện bình thường ở các nước khác còn cung cấp các dịch vụ như một chi nhánh ngân hàng, thậm chí còn bán bảo hiểm, nhận thanh toán các loại hóa đơn điện nước…

Năm 1999, Bưu điện Anh quốc thuê hãng Fujitsu của Nhật xây dựng và triển khai phần mềm kế toán cho các chi nhánh, gọi là hệ thống Horizon trong một hợp đồng trị giá đến 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Cứ tưởng có thể kỳ vọng hệ thống mới sẽ giúp các chi nhánh bưu điện ghi chép sổ sách, thu chi rõ ràng, đưa Bưu điện Anh quốc bước vào kỷ nguyên tin học hóa. Thế nhưng chẳng mấy chốc, chủ các chi nhánh bắt đầu nhận thấy số liệu thu chi không khớp, thu cứ thấp hơn chi một cách bất thường. Báo lỗi cho công ty đại diện cho Fujitsu không có kết quả; tờ Wall Street Journal kể trường hợp một subpostmaster, tên Jo Hamilton thấy sổ sách trên máy tính báo tuần đó lỗ 2.000 bảng Anh bèn gọi cho hỗ trợ kỹ thuật. Làm theo hướng dẫn của kỹ thuật, ngay lập tức máy báo số lỗ nay tăng lên 4.000 bảng Anh!

Trong suốt 15 năm từ lúc triển khai hệ thống Horizon cho đến năm 2015, có hàng ngàn vụ máy móc báo sai như thế nhưng Bưu điện Anh quốc không hề có cuộc điều tra nào, cứ giấu nhẹm mọi chuyện, buộc các chi nhánh chịu trách nhiệm bồi hoàn các khoản thiếu hụt. Như trường hợp của subpostmaster do Wall Street Journal kể, vì cứ nghĩ chỉ có riêng chi nhánh mình báo thiếu hụt nên bà phải vay mượn của người thân, bạn bè hàng ngàn bảng Anh để bù vào. Ai không có tiền đền bù thì Bưu điện Anh quốc cáo buộc họ ăn cắp hay gian lận, rồi truy tố ra tòa nhiều trường hợp.

Bưu điện Anh quốc đã phạm phải ít nhất là hai sai lầm: không chia sẻ với các subpostmaster hàng trăm trường hợp sổ sách thu chi bị thiếu hụt tương tự, làm ai cũng tưởng chuyện của họ là riêng lẻ, không dính dáng gì đến lỗi phần mềm. Họ lại yêu cầu Fujitsu tuyên bố phần mềm Horizon hoạt động tốt, không hề có lỗi. Tổng cộng có 938 trường hợp các subpostmaster bị cáo buộc ăn cắp, gian lận kế toán hay lừa đảo mà thực chất do lỗi phần mềm Horizon; hơn 200 người phải ngồi tù. Một số người bị cáo buộc đã được khuyên, nếu họ nhận tội nhẹ hơn, như gian lận kế toán thì sẽ được miễn tù giam, chỉ phải đền tiền.

Jo Hamilton bị Bưu điện Anh quốc cắt hợp đồng, sa thải năm 2006 rồi bị truy tố tội ăn cắp của công. Theo lời khuyên, bà nhận tội nhẹ hơn là sửa đổi sổ sách nên khỏi đi tù nhưng phải đền cho Bưu điện Anh quốc đến 36.000 bảng Anh. Bà thế chấp căn nhà được 30.000 bảng; chỗ còn thiếu sau đó được cộng đồng nơi bà sống kêu gọi hỗ trợ vì mọi người biết bà không gian lận.

Một subpostmaster bị cáo buộc như thế và là nhân vật chính trong bộ phim truyền hình của ITV là Alan Bates. Ông biết thủ phạm chính của câu chuyện hàng trăm người bị buộc tội ăn cắp hay gian lận là chính hệ thống phần mềm Horizon của Fujitsu. Ông đã tập hợp Jo Hamilton và cả trăm người như bà, bắt đầu cuộc chiến chống lại Bưu điện Anh quốc để tìm công lý, một cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm. Trước đó hàng trăm người mất hết tiền đầu tư, dành dụm, phải tuyên bố phá sản, nhiều người bị tù giam, nhiều người khác gia đình ly tán; bốn người tự kết liễu cuộc sống.

Mặc dù Alan Bates cùng những người khác thành lập Liên minh vì công lý cho các subpostmaster từ năm 2009, đến năm 2012 Bưu điện Anh quốc mới chịu thuê Second Sight tiến hành điều tra phần mềm Horizon. Và mặc dù Second Sight kết luận Horizon có nhiều lỗi, có thể dẫn đến sai sót kế toán, Bưu điện Anh quốc vẫn khăng khăng không có vấn đề gì, máy tính luôn luôn đúng. Đến năm 2017, Bates cùng 555 subpostmaster kiện Bưu điện Anh quốc ra tòa và năm 2019, tòa phán quyết Horizon có nhiều lỗi, đầy khiếm khuyết… cuối cùng hai bên thỏa thuận ngoài tòa, Bưu điện Anh quốc bồi thường 58 triệu bảng, tính ra mỗi nạn nhân chỉ được nhận chừng 20.000 bảng sau khi trừ chi phí pháp lý.

Phải đến năm 2021, Jo Hamilton và 38 người khác mới được tuyên vô tội, tức không phạm tội gian lận kế toán hay ăn cắp của công. Thế nhưng vẫn còn hơn 700 người từng bị xử án oan sai do cáo buộc đầy sai lầm của Bưu điện Anh quốc vẫn còn phải chờ tòa xử lại. Tuy báo chí Anh có đưa tin về vụ Bates kiện Bưu điện Anh quốc cũng như lần Hamilton và nhiều người khác được xóa án nhưng tin tức nhanh chóng chìm lấp, không gây thành một luồng dư luận đáng kể. Có lẽ do báo chí tường thuật phần mềm máy tính bảo họ sai rồi thêm nhiều người thừa nhận họ có gian lận kế toán nên ấn tượng chung là các subpostmaster ắt hẳn có sai phạm gì đó.

Chỉ đến khi bộ phim truyền hình Mr. Bates vs The Post Office ra mắt, công luận mới ý thức được quy mô sai lầm của Bưu điện Anh quốc cũng như thảm cảnh hàng trăm người bị cáo buộc sai phải trải qua. Xì căng đan cũ sống lại, thêm nhiều nạn nhân cũ xuất hiện, nhiều số phận cay đắng được báo chí khai thác. Trong một tuyên bố bất ngờ, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho rằng đây là một trong những sai lầm tư pháp lớn nhất từ trước đến nay và hứa hẹn sẽ sớm có luật để giải oan cho hàng trăm subpostmaster vẫn còn hàm oan cũng như dành ra 1 tỉ bảng Anh để bồi thường cho những người gánh chịu thiệt hại.

Trước mắt Chính phủ Anh cho điều tra trở lại vụ án. Bưu điện Anh quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác và làm hết sức mình để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ. Fujitsu cho biết họ đang nghiêm túc xem xét lại mọi thứ, xin lỗi các subpostmaster cùng gia đình và hy vọng một kết quả công bằng cho mọi nạn nhân.

Một chi tiết đáng lưu ý liên quan đến xì căng đan phần mềm Horizon: cùng năm Horizon được triển khai trên toàn các chi nhánh Bưu điện Anh quốc, một điều luật mới được đưa ra ở Anh. Luật mới quy định các bằng chứng do máy tính cung cấp được xem là chính xác; bên bị có trách nhiệm chứng minh máy tính sai chứ bên nguyên không có trách nhiệm đó. Luật có mục đích tốt như khẳng định khi anh bị bắn tốc độ, thì cái tốc độ do máy ghi nhận là đúng chứ không phải tốc độ do anh khai.

Tuy nhiên, trong thời đại tin học, với muôn vàn loại virus máy tính, bọn tin tặc, kẻ xấu luôn rình rập thì quy định trên rất bất cập như xì căng đan Horizon cho thấy. Hiệp hội máy tính Anh phải kêu gọi xem xét lại quy định máy tính luôn luôn đúng vì cách hiểu như thế đã đơn giản hóa mọi chuyện và không phù hợp với thực tế hiện nay. Hiện nay điều luật này vẫn còn hiệu lực.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-oan-nho-phim-truyen-hinh/