Giải ngân vốn chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Nam phối hợp với công an các huyện, thị xã và thành phố, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, rà soát nắm bắt nhanh nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Bước đầu nhiều người sau khi thụ án xong về địa phương đã được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao mức thu nhập.

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Nam phối hợp với công an các huyện, thị xã và thành phố, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, rà soát nắm bắt nhanh nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Bước đầu nhiều người sau khi thụ án xong về địa phương đã được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao mức thu nhập.

Ngày 10/10/2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện giải ngân những món vay đầu tiên theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg mang lại niềm vui cho người chấp hành xong án phạt tù, giúp cho họ có nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Trong ngày giải ngân đầu tiên, anh Đinh Văn Long, ở Tổ 5, phường Thanh Tuyền (TP Phủ Lý) đã chấp hành xong án phạt tù được vay 100 triệu đồng đầu tư sản xuất kinh doanh. Để giúp anh tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ NHCSXH phối hợp với Công an phường, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống nhà để tìm hiểu nhu cầu sản xuất của gia đình, hướng dẫn anh sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Thay mặt gia đình, anh Đinh Văn Long đã cảm ơn chính quyền địa phương, NHCSXH tin tưởng, tạo điều kiện cho vợ chồng anh vay vốn mở rộng quy mô sản xuất đồ gỗ, đầu tư trang thiết bị máy móc, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và giúp bản thân xóa bỏ tự ti, mặc cảm, từng bước vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng.

Cùng với gia đình anh Long, đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận trên 14 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn với tổng số tiền 800 triệu đồng từ các xã, phường, thị trấn. Các đơn vị đang khẩn trương tiến hành rà soát và hoàn thiện hồ sơ để thực hiện giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng trong thời gian sớm nhất, giúp cho người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện được học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống khi trở về địa phương.

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng hướng dẫn gia đình có người chấp hành xong án phạt tù làm thủ tục vay vốn. Ảnh: Hữu Thoan

Bà Lê Thị Huế, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng cho biết: Những người được vay vốn đều đã chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH. Trong tháng 10/2023, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng đã giải ngân vốn cho một khách hàng chấp hành xong án phạt tù vay 70 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Thông qua nguồn vốn vay, không chỉ tạo điều kiện cho người hoàn lương thúc đẩy quá trình hòa nhập với cộng đồng, mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm, từ đó góp phần tạo ra nền tảng thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng sẽ tiếp tục phối hợp với công an các xã, thị trấn, chính quyền địa phương để triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn này.

Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, tại Điều 14 của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại quyết định này; chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa đối với người chấp hành xong án phạt tù là 100 triệu đồng/người; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023.

Chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chính sách quan trọng mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương. Để triển khai thực hiện kịp thời, Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động báo cáo, tham mưu với chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, đồng thời phối hợp với UBND, công an các xã, thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ và giải ngân vốn vay theo quy định.

Trần Hữu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/giai-ngan-von-chinh-sach-cho-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-105700.html