Giải mã vũ khí đáng sợ nhất của Italia thời Thế chiến II

Quân đội Italia có một màn thể hiện khá 'nhạt nhòa' trong Thế chiến II. Dù vậy, một loại vũ khí kỳ lạ mà lực lượng hải quân nước này sử dụng đã trở thành nỗi kinh hoàng cho đối phương.

Vào ngày 26/3/1941, quân đội Italia đã tấn công hạm đội Anh tại Vịnh Suda, Crete, bằng ngư lôi có người lái, đánh chìm tàu tuần dương của Anh. Đây là lần đầu tiên một vũ khí như vậy được sử dụng trong Thế chiến II.

Loại ngư lôi có người lái này được gọi là Maiale, có thiết kế rất đặc biệt, với động cơ có thể tái sử dụng và đầu đạn rời. Trên thực tế, nó là sự kết hợp giữa bom và tàu ngầm cá nhân. Đây thực sự là một bước tiến lớn của kỹ thuật quân sự thời Thế chiến II.

Chủ yếu được dùng để tấn công tàu của đối phương đang nằm trong cảng, ngư lôi Maiale cần có hai người điều khiển để đưa chúng đến gần mục tiêu. Người điều khiển sẽ mặc đồ lặn để lái ngư lôi dưới độ sâu 15 mét.

Khi áp sát mục tiêu thành công, đầu đạn kích nổ hẹn giờ sẽ được cài. Nếu không bị phát hiện hoặc gặp sự cố, người điều khiển có thể lái phần động cơ ngư lôi quay về tàu mẹ an toàn.

Nhược điểm của Maiale là rất khó điều khiển. Binh sĩ Italia thường ví việc lái nó khó như cưỡi một con lợn (Maiale nghĩa là “con lợn” trong tiếng Italia).

Trở lại với vụ tấn công ngày 26/3/1941, vào ngày hôm đó, sáu Maiale do Trung úy hải quân Ligi Faggioni chỉ huy, đã tiến vào vịnh Suda tại Crete và làm nổ tàu tuần dương York của Anh neo đậu ở đó. Con tàu của anh đã bị hư hại nặng nề đến mức phải đưa lên bờ.

Vào tháng 12/1941, tại cảng Alexandria, Ai Cập, ngư lôi Maiale lập công lớn khi đã đánh chìm hai thiết giáp hạm Anh là Elizabeth và Valiant, cùng với một tàu chở dầu.

Maiale cũng được dùng để tấn công các tàu buôn ở Gibraltar và các nơi khác. Loại ngư lôi có người lái đã được nhìn nhận như vũ khí hiệu quả nhất trong kho vũ khí của hải quân Italia.

Nhận thấy thấy sự lợi hại của ngư lôi có người lái, quân đội Anh và Đức quốc xã cũng phát triển các vũ khí tương tự, được các chuyên gia gọi bằng cái tên chung là Chariot.

Người Anh đã sử dụng Chariot để trả thù Italia bằng cách đánh chìm tàu tuần dương Ulpio Traiano ở cảng Palermo, Sicily vào đầu tháng 1/1943. Một tàu biển 8,500 tấn cũng bị hư hại trong cuộc tấn công đó.

Người Đức cũng thành công trong việc đánh chìm hai tàu tuần tra của Anh tại biển Normandy vào tháng 7/1944 bằng ngư lôi Chariot được đặt tên là Neger của họ.

Mời quý độc giả xem video: Vụ nổ tàu ngầm Kursk - Tai nạn thảm khốc nhất của Hải quân Nga.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-vu-khi-dang-so-nhat-cua-italia-thoi-the-chien-ii-1601114.html