Giải mã tiểu thuyết '17 âm 1' của tác giả Gen Z

Trong làn sóng trinh thám Việt Nam, tác giả Doo Vandenis nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản với tác phẩm thứ hai '17 âm 1'. Một số đặc điểm độc đáo và sự kết hợp khéo léo với truyền thông mạng đã tạo nên thành công không ngờ cho tác giả trẻ này.

Trước đây, nhắc đến sách của tác giả Việt Nam, hầu như các ý kiến đều cho rằng rất khó cạnh tranh được với sách dịch nước ngoài. Tuy nhiên với sự kết hợp giữa chất lượng nội dung và chiến lược truyền thông hiệu quả, "17 âm 1" đã tạo ra một làn sóng đặt hàng đặc biệt. Sự mong đợi và hứng thú từ độc giả đã khiến cuốn sách tái bản chỉ sau 2 ngày phát hành, một thành tích ấn tượng cho một tác giả mới chỉ hai mươi tuổi;"17 âm 1"; có cốt truyện lắt léo, liên tục đưa độc giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tạo nên một trải nghiệm đọc mới lạ và không dễ dàng đoán trước. Tất cả bắt đầu từ cuộc cắm trại của lớp 12D4 tại hồ An Yên, bao gồm cả cô chủ nhiệm - cô Nhã và con trai của cô - Kiến Luật, một học sinh đến từ trường khác nhưng có mối quan hệ gần gũi với lớp. Nhân vật chính trong câu chuyện, Duy Lâm, làmột thành viên của lớp 12D4 và cũng là người thu thập các mảnh thi thể. Mỗi phần trong truyện là một lần Duy Lâm cố tìm lại mảnh thi thể từ các bạn cùng lớp và xử lí những thứ không có thật do sự méo mó tâm lý của họ tạo ra. Qua mỗi lần như vậy, sự thật về vụ án mạng cũng dần được tiết lộ.

"17 âm 1" của tác giả Doo Vandenis nhanh chóng trở thành hiện tượng xuấtbản.

Một trong những điểm đáng chú ý của "17 Âm 1" là cách tác giả đã tạo ra các yếu tố tâm lý phức tạp. Nhân vật chính, Duy Lâm, đóng một vai trò như một “phản anh hùng” và có một sự phát triển sâu sắc trong suốt câu chuyện. Các nhân vật khác cũng mang theo những bí mật và mâu thuẫn tâm lý riêng, tạo ra một khung cảnh tâm lý hấp dẫn cho câu chuyện. Bên cạnh yếu tố trinh thám kinh dị, tác phẩm gửi gắm thông điệp bao dung và nhân văn về các vấn đề nhức nhối trong học đường và xã hội như quấy rối, bạo lực học đường, trọng nam khinh nữ… Trong kỷ nguyên hậu hiện đại, công chúng không chỉ quan tâm đến nội tại tác phẩm, mà rất nhiều khi còn chú ý đến câu chuyện hậu trường phía sau sự sáng tác. Chẳng hạn với mỗi bộ phim, khán giả còn bình luận về việc ê kíp sản xuất đã hoạt động như thế nào, có khôn ngoan hay không, có thành công hay không? Câu chuyện về sự thành công của một dự án đôi khi còn hấp dẫn hơn chính bản thân nội dung dự án. “17 Âm 1” có lẽ đã tận dụng tốt những đặc tính này của thời đại tiêu dùng.
Hiệu quả từ các chiến dịch truyền thông, đặc biệt là trên Tiktok, là một trong những lý do khiến sách được quan tâm. Tác Doo Vandenis và đội ngũ đã tận dụng khéo léo các phương tiện truyền thông để tạo ra những đoạn video ngắn dựa trên cốt truyện, hấp dẫn, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Cũng trên kênh truyền thông, tác giả liên tục tương tác chia sẻ về quá trình sáng tác, giải đáp thắc mắc của độc giả và khám phá các khía cạnh thú vị trong tác phẩm. Dường như có một câu chuyện riêng mạch lạc về hành trình sáng tác của tác giả. Việc này đã góp phần gia tăng sự mong đợi đối với cuốn sách. Thậm chí tác giả còn “đào tạo’ một chat bot trí tuệ nhân tạo, đóng vai nhân vật chính, để độc giả có thể tương tác với nhân vật chính bất cứ khi nào họ muốn.
Có thể thấy trong xuất bản hiện đại, mạng xã hội không chỉ mở ra cánh cửa cho sự giao lưu và chia sẻ thông tin toàn cầu, mà còn tạo ra một sự chuyển mình mới trong giao lưu, quảng bá các tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nhờ khả năng kết nối vô hạn, các tác giả hiện đại có thể có cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với hàng triệu độc giả trên đất nước chỉ trong một vài thao tác. Những thao tác ấy giờ không còn tự phát nữa, mà đã dần trở thành định hình, chiến lược đầu tư riêng của các tác giả văn học, đặc biệt là các tác giả giả ở thế hệmới.

Bảo Lộc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-tieu-thuyet-17-am-1-cua-tac-gia-gen-z-a21800.html