Giai đoạn thích hợp để phát triển kinh tế ban đêm

Để góp phần phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Hiện nay là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh kinh tế ban đêm nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu. Đây là một trong những đề xuất của các chuyên gia và nhà quản lý tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020. Vì sao thời điểm này lại được coi là 'giai đoạn thích hợp'?

Để góp phần phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Hiện nay là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh kinh tế ban đêm nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu. Đây là một trong những đề xuất của các chuyên gia và nhà quản lý tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020. Vì sao thời điểm này lại được coi là “giai đoạn thích hợp”?

Trên thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm - một phần của kinh tế ban đêm. Các loại hình đã được triển khai ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thể hiện ở mô hình khu chợ đêm, phố ăn đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh) và khu Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý, hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả như mong đợi. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực, chưa tạo được dấu ấn. Kinh tế ban đêm cũng đối mặt nhiều rủi ro, thách thức liên quan an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải… và chưa có khung pháp lý, chính sách thúc đẩy loại hình này. Tâm lý e dè trước những mặt trái, những phát sinh tiêu cực và rủi ro của kinh tế ban đêm từ các cơ quan quản lý đã khiến sản phẩm du lịch đêm chưa được tổ chức khai thác hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam (Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020), nhằm hướng tới hai mục tiêu chính là thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Theo Đề án, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động ban đêm ở 10 thành phố, trung tâm lớn có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hội An, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Đồng thời yêu cầu nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đề án đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó, trước hết là giảm dần và tiến tới xóa bỏ định kiến về những ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm. Nhìn nhận đầy đủ, song không e ngại quá mức vào rủi ro bất ổn an ninh trật tự để bỏ qua các cơ hội phát triển kinh tế ban đêm. Nếu được quản lý tốt, kinh tế ban đêm sẽ có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới... Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch, phù hợp tình hình địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu... Đây là hành lang pháp lý để đẩy mạnh kinh tế ban đêm.

Sau Đề án của Chính phủ, TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm của địa phương (theo Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 28-9-2020 của UBND thành phố Đà Nẵng) nhằm phục hồi hoạt động du lịch hậu Covid-19. Đề án tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Với ba giai đoạn, Đề án kỳ vọng đến năm 2025, Đà Nẵng hình thành được mô hình kinh tế ban đêm; kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án xây dựng một số khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt khu dân cư, quy mô lớn và đẳng cấp ngang tầm khu vực và thế giới. Từ năm 2025 trở đi, Đà Nẵng sẽ đưa vào hoạt động các tổ hợp giải trí ban đêm.

Kinh tế ban đêm với các sản phẩm du lịch về đêm là “mỏ vàng” để ngành du lịch khai thác. Bởi vì thông thường ban ngày du khách dành thời gian để đi thăm danh lam thắng cảnh, ban đêm mới là khoảng thời gian để họ vui chơi, trải nghiệm dịch vụ và chi tiêu. Vấn đề mấu chốt là phải có giải pháp quản lý đồng bộ, phù hợp, quy hoạch các khu tập trung phát triển kinh tế ban đêm, với các sản phẩm du lịch đêm thật sự hấp dẫn, có sức hút đối với du khách, nhưng không ảnh hưởng tới người dân. Phát triển kinh tế đêm cũng là chuyện của từng địa phương, bởi địa phương phải hội đủ các điều kiện hạ tầng (kỹ thuật và văn hóa - xã hội) và phải chi thêm kinh phí để bảo đảm an ninh trật tự, đầu tư cho hạ tầng chiếu sáng, các dịch vụ giải trí, mua sắm về đêm... Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của ngành du lịch, thời điểm này chính là giai đoạn thích hợp để các địa phương có đủ điều kiện bắt tay vào phát triển kinh tế ban đêm nhằm tạo đà cho sự hồi phục của ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

QUANG ĐÔNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/giai-doan-thich-hop-de-phat-trien-kinh-te-ban-dem-628779/