Giải bài toán 'khan hàng' trên thị trường chứng khoán

Việc thiếu vắng hàng hóa chất lượng trên sàn chứng khoán không chỉ khiến thị trường thiếu hụt động lực tăng trưởng, mà còn làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng tới thanh khoản và triển vọng nâng hạng thị trường.

Tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SBS cho biết, sau 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ "đếm trên đầu ngón tay", rất hạn chế chỉ với một vài doanh nghiệp.

Vì sao doanh nghiệp “ngại” lên sàn?

Thực tế, kể từ đầu năm 2023 đến nay, HoSE có duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, chuyển từ UPCoM sang. Tương tự, HNX cũng chỉ “đón” thêm 2 mã cổ phiếu chuyển sàn niêm yết là KSV của Tổng công ty CP Khoáng sản TKV và PPT của CTCP Petro Time.

Việc “hàng hóa” khan hiếm khiến nhà đầu tư không có lựa chọn mới, ảnh hưởng tới sức hút của TTCK.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 ghi nhận gần 57.000 đơn vị, thành lập mới gần 34.000, quay trở lại hoạt động là hơn 23.000 doanh nghiệp. Cần phải nhấn mạnh rằng, các con số này đã giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, dù được đánh giá là năm bùng nổ về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) cũng chỉ ghi nhận khoảng 54 mã cổ phiếu mới được bổ sung trên cả 3 sàn giao dịch. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu rút khỏi thị trường năm này cũng cao vượt trội hơn số "tân binh", khiến tổng doanh nghiệp đăng ký trên 3 sàn giảm hơn 40 đơn vị so với năm 2021.

Có thể thấy, hiệu quả của việc huy động vốn thông qua TTCK là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn có nhiều lợi ích vô hình khi lên sàn chứng khoán như: tăng uy tín, thương hiệu, nâng cao vị thế của doanh nghiệp. Tuy nhiên thực trạng đáng buồn hiện nay là số lượng doanh nghiệp đại chúng hóa nói chung và lên sàn nói riêng trong những năm trở lại đây gần như "giậm chân tại chỗ".

Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SBS cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc thiếu vắng doanh nghiệp lên sàn đến từ cả sự chủ quan lẫn khách quan.

Theo ông Huỳnh, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Bên cạnh đó, trong 2 năm trở lại đây, TTCK đối mặt với những cuộc “thanh lọc” không mong muốn, vô hình trung gây ảnh hưởng đến tâm lý của cả nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Mặc dù Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung, song bản thân doanh nghiệp đang phải “chật vật” đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại.

“Nhà chưa đủ ăn thì làm sao mang ra chợ bán được? Nên tâm lý này của họ là hoàn toàn dễ hiểu”, ông Huỳnh nói.

Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm. Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay.

Còn ông Vũ Đức Tiến, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SHS chỉ ra 5 nguyên nhân doanh nghiệp không “mặn mà” với niêm yết, đại chúng hóa. Đó là quyền lợi và rủi ro, việc tuân thủ quy định của pháp luật, doanh nghiệp chưa nhận được tư vấn một cách đầy đủ, đáp ứng chuẩn niêm yết và TTCK biến động quá lớn nên chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn.

Tăng tính hấp dẫn cho thị trường

Cần phải nhìn nhận một điều rằng, việc TTCK thiếu vắng các "tân binh", nhất là các doanh nghiệp chất lượng được cho là sẽ khiến thị trường thiếu vắng động lực lớn để có thể tạo ra nhiều “con sóng thần”. Bởi lẽ nhìn lại quá khứ, những "con sóng thần" của chứng khoán Việt Nam thường gắn liền với làn sóng các “bom tấn” IPO lên sàn, bên cạnh việc tham gia các tổ chức, Hiệp định thương mại quan trọng…

Mặt khác, việc “hàng hóa” khan hiếm còn khiến nhà đầu tư không có lựa chọn mới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chất lượng tốt được nhiều nhà đầu tư “nhắm” vẫn chưa thấy bóng dáng trên sàn. Có thể kể đến như Nova Consumer (NCG), Tôn Đông Á, Thaco Auto… Hay như những doanh nghiệp nhà nước đang nằm trong danh sách cổ phần hóa thực sự được nhà đầu tư quan tâm như: Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1... thì lộ trình lên sàn vẫn còn bỏ ngỏ.

Hơn nữa, thiếu vắng hàng hóa chất lượng còn khiến TTCK giảm đi sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng tới thanh khoản và triển vọng nâng hạng thị trường.

Do đó, để mở rộng quy mô hàng hóa cho TTCK, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.

Theo Tiến sĩ Dương Ngân Hà, Giảng viên Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng, đối với các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, UBCKNN cần có những biện pháp phù hợp để vận hành thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch thông tin, công bằng giữa các doanh nghiệp niêm yết, các nhà đầu tư trên thị trường. Cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm thông qua phát hành và giao dịch cổ phiếu. Đặc biệt là các hành vi mua bán cổ phiếu của các cổ đông lớn nhưng không hoặc chậm trễ trong việc công bố thông tin.

Đối với SGDCK Việt Nam, điều cần làm là khẩn trương rà soát và nghiên cứu các quy định pháp lý để kịp thời đề xuất UBCKNN và Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, đặc biệt là các quy định liên quan tới giao dịch cổ phiếu để đảm bảo minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết.

Ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.

Dưới góc nhìn của ông Vũ Đức Tiến, để thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, trước hết các công ty chứng khoán cần tăng cường công tác tư vấn và hỗ trợ. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường niêm yết thuận lợi. Không chỉ vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo tuân thủ trên TTCK; tăng cường rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên TTCK.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về niêm yết chứng khoán theo quy định pháp luật. Trong quá trình triển khai dịch vụ, các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần tư vấn về thủ tục, hồ sơ mà cần cung cấp cho khách hàng tư vấn tái cấu trúc toàn diện, tổng thể và chuyên sâu.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/giai-bai-toan-khan-hang-tren-thi-truong-chung-khoan-1093999.html