Giấc ngủ đông kéo dài ở biên giới Trung - Triều

Cảnh hiu hắt ở huyết mạch giao thương Trung - Triều suốt một thời gian dài vì đại dịch khiến tờ Foreign Policy miêu tả 'mùa đông kinh tế chưa dứt' ở nơi này.

Ngồi trong cửa hàng ở thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), ông Wang Yaoli, một quan chức về hưu, nhận xét về bức tranh Hồ Thiên Đường mua được ở Triều Tiên: “Phong cảnh trong tranh giống với hiện thực cuộc sống”.

Sau khi rời nhiệm sở, ông Wang biến tình yêu đối với các tác phẩm nghệ thuật từ Triều Tiên, như bức vẽ mô tả một hồ nước trên miệng núi lửa gần khu vực biên giới, thành một công việc kinh doanh, theo Foreign Policy.

Tuy nhiên, giống như nhiều người khác, ông Wang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung. Tháng 1/2020, ngay sau khi Covid-19 bùng phát, Triều Tiên đóng cửa gần như hoàn toàn biên giới để hạn chế tác động của đại dịch.

Dù Triều Tiên báo cáo không có ca nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà quan sát luôn hoài nghi về con số thực tế.

Trong bối cảnh gần như toàn bộ hoạt động thương mại quốc tế của Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc, khối lượng hàng hóa song phương đi qua tuyến giao thương trên sông Áp Lục năm 2020 giảm hơn 80% so với năm 2019.

Đến tháng 5, sau thời gian nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên tiếp tục giảm xuống còn 2,71 triệu USD, so với mức 28,75 triệu USD hồi tháng 4, theo Reuters.

Ở Đan Đông (đô thị chiếm 2/3 khối lượng luân chuyển hàng hóa giữa hai nước), nhiều cửa hàng nằm dọc các con phố gần cầu Hữu nghị Trung - Triều đều đóng cửa hoặc ngừng hoạt động.

Người dân Trung Quốc ở Đan Đông nhìn về phía Triều Tiên qua dòng sông Áp Lục. Ảnh: Foreign Policy.

Đời sống người dân gặp khó

Tại kho hàng lớn nhất thành phố, cảnh tượng vắng vẻ diễn ra thường xuyên. Một số ít xe tải ở bãi đậu xe không được sử dụng kể từ năm 2020.

Anh Yang, một nhân viên bảo vệ đang chơi điện thoại để giết thời gian, cho biết: “Tất cả hàng hóa đều chất đống ở đây".

Trong khi đó, một thương nhân ở Đan Đông nói: “Chúng tôi từng có hơn 20 người trong công ty của mình, nhưng giờ tất cả đều đã về nước và đang sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp”.

Chồng cô, trước đây cũng làm nghề buôn bán dọc tuyến biên giới, nay trở thành tài xế lái xe để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình.

Năm 2021, các doanh nghiệp địa phương chỉ có thể tiếp cận với Triều Tiên thông qua tuyến thương mại duy nhất bằng đường biển.

Hiện tại, chỉ còn Long Khẩu (tỉnh Sơn Đông) và Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) mở cửa cho các tàu thuyền của Triều Tiên cập bến, nữ thương nhân ở Đan Đông cho biết.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020, nhân lúc Triều Tiên mở cửa biên giới để tiếp nhận nguồn dụng cụ y tế như khẩu trang và nhiệt kế, thương nhân này đã tranh thủ cơ hội để giải quyết một số đơn hàng lẻ tẻ.

Dù vậy, với 10 chuyến xe tải mỗi tuần so với số lượng hàng trăm chuyến hàng vào thời điểm trước khi bùng dịch, việc kinh doanh vẫn chẳng thấm vào đâu.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm, giá trị thương mại có dấu hiệu gia tăng do Triều Tiên có nhu cầu lớn về phân bón, hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm, để chuẩn bị cho vụ canh tác mới.

Vào tháng 4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi đất nước chuẩn bị cho cuộc "hành quân gian khổ" - một chỉ dấu cho thấy tình trạng đóng cửa biên giới đang để lại những hậu quả khá nghiêm trọng cho quốc gia Đông Bắc Á.

Ông Lu Chao, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh, cho biết: “Triều Tiên rất thiếu các nhu yếu phẩm hàng ngày, những mặt hàng này phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc”.

“Việc nối lại toàn bộ hoặc một phần thương mại Trung - Triều là yêu cầu cấp bách. Cả hai bên đều rất coi trọng vấn đề này”, ông cho biết.

Ông Lu Chao cũng lưu ý Triều Tiên đã điều chỉnh các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch để sẵn sàng cho việc mở cửa lại biên giới.

Các cửa hiệu bán hàng hóa Triều Tiên ở Trung Quốc gần khu vực sông Áp Lục. Ảnh: Foreign Policy.

Hy vọng vẫn xa vời

Nhưng đối với các thương nhân Trung Quốc, ngày biên giới mở cửa vẫn chưa thể đến sớm.

Ông Wang nói thực tế chỉ nhen nhóm trong ông những hy vọng hão huyền. Trước đó, ông Wang từng nghe người dân nói biên giới sẽ mở cửa trở lại vào khoảng tháng 4 hay tháng 5, nhưng tháng 6 đã sắp kết thúc mà chưa có gì thay đổi.

“Tất cả chỉ là tin đồn”, ông Wang nói.

Chỉ vài năm trước, nền kinh tế Đan Đông từng được kỳ vọng sẽ là một hạt nhân bùng nổ trong tương lai.

Năm 2010, nhằm đón đầu xu hướng phát triển thương mại với Triều Tiên, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng một quận mới ở phía nam trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, dự án đầy tham vọng còn bao gồm xây mới một cây cầu bắc qua sông Áp Lục với bốn làn xe rộng rãi, với chi phí đầu tư lên tới 345 triệu USD, nhằm thay thế cho cầu Hữu nghị Trung - Triều một làn xe đã cũ.

Tuy nhiên, đến năm 2013, triển vọng phát triển thương mại song phương đã bị chững lại, xuất phát từ vụ hành quyết chính trị gia đối lập Jang Song Thaek cùng với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên bốn năm sau đó.

Triều Tiên phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của Liên Hợp Quốc. Quy định mới khi đó không cho phép quốc gia này nhập khẩu và xuất khẩu nhiều loại hàng hóa, từ sản phẩm công nghiệp đến hàng thủ công nghiệp và nông nghiệp.

Hoàn thành trong một bối cảnh ngặt nghèo, cầu sông Áp Lục mới - niềm hy vọng cho sự hợp tác song phương - vẫn chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng kể từ năm 2014.

Các doanh nghiệp Trung Quốc có kinh doanh với phía Triều Tiên hoặc phải đóng cửa, hoặc cố gắng duy trì hoạt động bằng cách chuyển sang các mặt hàng được phép thông quan như giày dép và bàn chải đánh răng.

“Các lệnh trừng phạt có hiệu lực vào năm 2018 quá khó khăn”, thương nhân ở Đan Đông nói. “Nhưng dần dần tôi phải học cách phân biệt mặt hàng nào được phép mua bán và mặt hàng nào thì không", cô nói thêm.

Đến cuối năm, thị trường bất động sản ở quận mới của Đan Đông bất ngờ chứng kiến một cơn sốt giá.

Tình hình quan hệ quốc tế của Triều Tiên có dấu hiệu khởi sắc trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Ung gặp cựu Tổng thống Donald Trump.

Các nhà đầu tư đổ xô mua căn hộ ở Đan Đông với niềm hy vọng về một trung tâm thương mại sầm uất. Nhưng rất nhanh sau đó, tất cả những gì thành phố còn lại là mặt bằng giá bất động sản cao nhất toàn tỉnh Liêu Ninh.

Giờ đây, dù cơ quan của chính quyền thành phố đã chuyển địa chỉ về quận mới, các hoạt động thường ngày vẫn khá vắng vẻ, nhiều dãy chung cư cao tầng đồ sộ nhìn ra những con đường thênh thang chẳng có mấy người qua lại.

Dù được đầu tư mạnh mẽ, kinh tế ở Đan Đông vẫn chưa thể "cất cánh". Ảnh: AFP.

Khó khăn chưa sớm qua

Với những rủi ro hiện hữu, hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc mới chỉ hợp tác kinh doanh với các công ty tư nhân nhỏ lẻ ở Triều Tiên, ông Lu Chao cho biết.

Các doanh nhân nói rằng hợp tác với phía Triều Tiên có rủi ro lớn. Nhưng đổi lại lợi nhuận thu được cũng rất cao. Họ tin tưởng cơ hội sẽ đến vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Gần đây, một số thông tin tại Trung Quốc cho rằng văn phòng hải quan địa phương của Triều Tiên nằm đối diện với Đan Đông đã hoạt động trở lại.

Không chỉ vậy, một đơn vị trực thuộc chính quyền tỉnh Liêu Ninh cũng mở thầu để kiểm tra cấu trúc, hình dáng và khả năng chịu tải của cầu Áp Lục mới, trong khi ảnh vệ tinh cho thấy phần đường dẫn ở Triều Tiên cũng đã gần hoàn thành.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện các trường hợp mắc Covid-19 gần đây ở Liêu Ninh, khả năng mở cửa biên giới vẫn còn khá xa vời.

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ duy trì các biện pháp phòng dịch tại biên giới hai nước trong ít nhất một năm nữa, theo Reuters.

Thông tin trên dường như đã gây ra tình trạng biến động tỷ giá đối với một số mặt hàng chủ chốt ở Triều Tiên trong thời gian qua.

Hôm 22/6 một báo cáo tài chính cho thấy tỷ giá đồng won của Triều Tiên đã tăng 15-20% so với đồng USD và đồng Nhân dân tệ, theo Daily NK.

Người dân Triều Tiên đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh biên giới với Trung Quốc chưa thể sớm mở cửa. Ảnh: Reuters.

Trước tình hình đó, chính phủ Triều Tiên buộc phải cam kết phân phối ngũ cốc cho người dân để đảm bảo nhu cầu lương thực và giúp bình ổn giá.

Dù vậy, ngoài thủ đô Bình Nhưỡng và các thành phố lớn của đất nước, giá gạo và ngô vẫn tăng cao ở nhiều khu vực, theo Reuters.

Ông Peter Ward, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên, bày tỏ lo ngại: “Vấn đề thực phẩm bên ngoài các thành phố lớn rất tệ".

"Nếu tình hình này tiếp diễn, người nghèo ở Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một nạn đói nghiêm trọng", ông Ward cho biết.

Phạm Ân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-ngu-dong-keo-dai-o-bien-gioi-trung-trieu-post1228208.html