Giấc mơ tháng mười một

Lần cuối cùng tôi còn nghe giọng Minh là vào một đêm tháng mười một, trời oằn mình gánh trên vai đợt mưa gió bão bùng. Mưa tuôn vồ vập trên mái nhà. Từng đợt gió rít qua khe cửa, tựa có bàn tay ai đó giật cửa từng hồi.

Từ đầu kia điện thoại, cách tôi gần hai nghìn cây số, nơi Hà Nội không có mưa, và cũng không có gió, Minh dặn dò, em nhớ chốt cửa cẩn thận, chèn hết mấy lỗ thông gió, cẩn thận nước hắt vào nhà. Tôi ôm chặt lấy điện thoại, thì thào trong nỗi sợ hãi không rõ nguyên do được giấu trong câu chuyện thường ngày giữa chúng tôi. Ngay giây phút ấy, tôi muốn nói với Minh rằng sao tự dưng đêm nay tôi liên tưởng tiếng gió rít bên ngoài cửa kia là bàn tay của một gã nào đó đang giật cửa liên hồi, muốn phá cửa xông vào nhà. Có thể, nhân đêm mưa bão như thế này, gã xấu nào đó đang muốn vào nhà. Nhưng tôi chưa kịp kể với Minh nỗi sợ hãi hoang tưởng đó thì anh đã dẫn câu chuyện vào kết thúc. - Đến giờ anh đi tập tennis rồi em ạ! Tám giờ tối, mỗi thứ tư và chủ nhật hàng tuần, anh có lịch tập tennis. Cuộc nói chuyện điện thoại của chúng tôi kết thúc vào lúc tám giờ kém mười lăm phút. Minh bảo, từ cơ quan anh chạy xe tới sân tennis mất mười lăm phút. Minh thích chơi thể thao. Bóng đá, bơi, và gần đây, khi sắp bước qua tuổi ba mươi anh chuyển sang chơi tennis. Tennis là thế giới của người giàu, của các vị sếp. Ngoài bàn nhậu, người ta còn có thể bàn chuyện công việc nơi sân tennis. Có lần Minh nói với tôi như vậy. Biết chơi tennis là cách để tiếp cận những mục tiêu anh đã hoạch định trong đầu. Song, phải nửa năm nữa anh mới có thể bước chân vào sân tennis cùng các con mồi của anh (nếu anh may mắn tiếp cận được). Còn bây giờ, anh đang bận rộn với việc cầm cung, học cách giương cung, cách bắn như thế nào với con mồi tưởng tượng sẽ đến trong tương lai. Anh say mê, háo hức lạ kỳ trong cánh rừng hai trăm sáu mươi mét vuông kia. Dĩ nhiên, tôi sẽ không phí phạm thêm phút nào của chàng thợ săn lịch lãm tôi yêu. Tôi dạ nhẹ hẫng, ngụ ý chấp nhận kết thúc cuộc điện thoại. Tháng mười một mưa, trời Sài Gòn không lạnh, nhưng tôi cảm nhận mồn một cái lạnh đang chạy dọc cơ thể mình. Cái lạnh của sợ hãi. Tiếng gió rít mỗi lúc một thô bạo hơn. Mưa ràn rạt quất bên ô cửa kính trong suốt. Và những đợt sấm chớp đì đùng trên bầu trời, đẩy tôi mỗi lúc một lún sâu trong chiếc chăn nồng mùi ẩm mưa. Tôi nhìn trân trân cánh cửa đang rền rĩ trước những đợt gió và ánh chớp loang loáng trên bầu trời. Trong phút giây sợ hãi ấy, mọi thứ trở lại mồn một, ký ức đã bị dìm chết từ lâu bỗng dưng ngang nhiên bước ra từ hầm mộ. Tôi nhớ về tiếng đập cửa hung bạo mỗi đêm từ bàn tay những người đàn ông hoặc say xỉn, bẩn thỉu, hoặc bần tiện thối tha lên cánh cửa gỗ xập xệ đầy nét than con nít vẽ nguệch ngoạc kèm mớ chữ tục tĩu. Đêm mưa và tiếng gõ cửa đẩy tôi sâu vào nỗi sợ hãi lẫn thù hận. Rất nhiều năm sau, cùng mẹ đi tha thẩn sống hết nơi này đến nơi khác, thậm chí đến năm hai mươi tư tuổi khi đêm đêm nhốt mình trong căn nhà xa lạ, được bao bọc bởi những cánh cửa không lưu lại vết than nào, tôi vẫn không thể quên nỗi kinh hãi năm xưa. Nhúm ký ức bổn phận ấy luôn xanh mướt trên mảnh đất tâm hồn cằn khô, luôn luôn nhắc nhở tôi phải gìn giữ nó, không cho phép tôi triệt tiêu nó đi. Đêm tháng mười một, tôi muốn kể với Minh câu chuyện đó - chi tiết ít ỏi trong cuộc đời tôi, nhưng Minh đã tắt điện thoại trước khi lời tôi buông ra. Tôi cuộn tròn trong chăn, bật ngọn đèn nhỏ và đọc quyển sách yêu thích, chờ đợi Minh. Thường, ở sân tennis, khoảng nghỉ giữa lúc tập, Minh sẽ gọi cho tôi. Cuộc yêu xa, sự bận rộn không cho phép chúng tôi có nhiều thời gian cho nhau. Tận dụng giây phút rảnh rỗi, Minh và tôi nói với nhau nhiều chuyện trong chừng mực nào đó. Một năm yêu nhau, hai tháng gặp nhau một lần, những cuộc điện thoại xuyên đêm khiến tôi mơ hồ nhận ra Minh đang gắng biến tôi thành người phụ nữ tinh tươm. Anh yêu tôi theo cách của người nặn tượng yêu khối đất sét đặt trước mắt mình. Từ đống đất sét ấy, anh sẽ nặn, sẽ bồi đắp từng chi tiết cho đến khi thành bức tượng hoàn hảo. Ngoài ra, anh không cần thiết thêm điều gì cả. Anh không nắm giữ được bất cứ chi tiết nào trong cuộc đời tôi. Anh ngụy biện nó bằng sự tự do cá nhân, bí ẩn, hấp dẫn trong tình yêu. Một năm, tôi không tiết lộ cho anh bất cứ chi tiết nào. Tôi chấp nhận để anh biến mình thành người phụ nữ tinh tươm cho đến đêm ấy, khi tôi đột nhiên muốn nói với anh về nhiều điều trong cuộc sống tôi. Song đêm mưa tháng mười một đó, cuộc điện thoại đổ dài, đổ dài kéo đêm vào sáng và mất hút vào sáng hôm sau khi bên kia đầu dây, giọng nhân viên tổng đài đọc câu thông báo quen thuộc về số thuê bao không liên lạc được. Suốt đêm đó, tôi nằm yên trong chăn, nắm chặt điện thoại, liên tục gửi đi những tín hiệu vô vọng. Suốt những ngày sũng nước của tháng mười một, tôi không còn nghe giọng Minh nữa. *** Cuộc gọi tháng mười một chết dần trong những tiếng ò í e. Khi một người bỗng dưng biến mất, chỉ có thể là chia tay, là chết, hoặc đơn giản là người đó không còn muốn gắn mình trong mối liên giao với người khác. Tôi không biết vì sao trong phút giây nắm chặt điện thoại trong tay ấy, tôi lại thấy hình ảnh Minh đi đôi giày thể thao màu trắng, mặc chiếc quần soọc sọc đen, chiếc áo thun cá sấu màu trắng, nằm sõng soài trên đường. Máu từ thân thể anh túa ra, loang ướt chiếc áo màu trắng, bám lên đôi giày trắng, thấm ướt trên đường. Tôi thấy căn phòng trắng toát, có chiếc giường sắt cọt kẹt. Trên đó, có người đàn ông đang hấp hối nằm, ánh mắt hối tiếc yếu ớt nhìn ánh sáng của ngọn đèn mỗi lúc một nhòe dần. Là Minh của năm tháng trẻ trung và đầy niềm ham mê cuộc sống nhưng bỗng chốc phải đối diện với thực tế khắc nghiệt rằng mình đang từ bỏ cuộc sống. Tôi đứng bên ngoài cửa căn phòng nhìn Minh đăm đăm, rồi quay lưng bỏ đi khi ánh mắt anh tuyệt vọng nhìn tôi. Tôi giật mình, nắm chặt hơn nữa chiếc điện thoại trong tay. Tôi đã không còn gọi cho Minh nữa. Tôi nhủ rằng Minh đã chết, tin tưởng tuyệt đối vào điều đó. Chỉ có điều, kỳ lạ, tôi đã không buồn, không khóc khi hình ảnh ấy cái chết Minh rỉ ra từ trí óc tôi. Càng ngày tôi càng đẩy mình vào sự chắc chắn rằng Minh đã chết và càng thấy yên lòng, tựa như tôi đang chờ đợi nỗi buồn khủng khiếp được dự báo từ trước. Tôi buồn trong lúc chờ đợi nó đến nhưng khi nỗi buồn ấy đến thì tôi lại bình thản chấp nhận nó. Tôi hụt hẫng chới với vì chính tôi đã bình thản trước hình ảnh cái chết Minh. - Em nghĩ, có lẽ Minh đã chết rồi! Em không còn liên lạc với Minh được nữa. Em thấy hình ảnh cái chết anh ấy trong những giấc mơ. Tôi bảo với Duy khi chúng tôi ngồi cạnh nhau bên góc công viên, nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dài từ bên kia đường vọng vào buổi chiều tan tầm ồn ã còi xe. - Em có thể chứng thực kia mà! Đừng để sự hoài nghi biến mình thành tàn nhẫn. Duy nói câu đó như lời an ủi tôi. Tôi nhìn ra mông lung. Có thể chứng thực rằng Minh có còn tồn tại hay không lắm chứ. Chỉ sau hai giờ bay, tôi đã có thể nhận được thông tin chính xác nhất về Minh. Đã vài lần tôi nghĩ đến chuyến bay hai giờ đồng hồ giữa trời mây trắng xóa để tìm Minh. Yêu Minh, hai tháng một lần, tôi một mình trên những chuyến bay ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra cửa sổ, thấy mình là con cá bé nhỏ giữa bạt ngàn sóng đại dương và biển đảo trắng xóa mịt mùng giăng giăng. Càng quẫy đạp, càng bị lạc lõng, bị nhấn chìm. Cho đến cuối cùng chợt nhận ra mình cô độc. Cảm giác đó, tôi không bao giờ nói với Minh. Cũng như buổi chiều bên Duy, tôi đã không nói gì, không cần thêm bất cứ lời an ủi nào, thấy ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể chia sẻ về Minh với một người đàn ông khác. Tôi không nói gì, chỉ đứng lên, nhẹ bẫng, thôi mình về. Phút ấy, bước đi trên đảm cỏ xanh rì sau đợt mưa mùa đông, tôi nhận ra mối quan hệ giữa tôi và Minh mong manh quá đỗi, mặc dù trước đó, vào một ngày nào đó, tôi không còn nhớ rõ, Minh hồ hởi gọi điện thoại nói anh vừa xem qua mấy căn hộ chung cư, thấy vài chỗ rất được. Khi em ra, anh sẽ đưa tôi đi xem. Minh bắt đầu nói về đám cưới của chúng tôi - điều mà mấy tháng trước, người đàn ông ba mươi ấy hết sức dè dặt. Mọi thứ thành màn mưa xa xăm mịt mù, tôi thậm chí còn không nhớ được những tình tiết chứ nói chi tới chi tiết... Duy có điều, hình ảnh về cái chết Minh thì cứ hằn in trong tôi, trở thành ký ức hằn sâu trong đầu. Trong đêm dài, tôi bắt đầu nghĩ nhiều về cái chết. Tôi đã nặn ra hình ảnh cái chết của người tôi yêu. Tôi đã nặn ra hình ảnh đó một cách đầy tàn nhẫn mà đến chính tôi, vào một phút nào đó cũng phải thốt lên ngạc nhiên xót xa. Phải chăng đó là thói quen trong tiềm thức, bởi tôi đã từng hành quyết một sinh linh? Tôi đã từng một mình bước vào căn phòng ám nồng mùi thuốc tẩy, một mình đối diện với phút giây người ta lấy ra khỏi cơ thể mình một sinh linh đang vừa tượng hình. Năm đó, tôi vừa bước qua hai mươi. *** - Em nghĩ rằng Minh chết rồi! Em không buồn! Kỳ lạ là em đã không buồn! Tôi lặp lại câu chuyện chứa cùng nội dung. - Em có nghĩ, giờ Minh đang ở cùng một người phụ nữ khác? Duy thực tế khi nhìn nhận vào vấn đề. Duy bảo, lẽ ra em nên như một người phụ nữ khác, nên bấn loạn lên và nghĩ về mọi chiều hướng có thể xảy đến khi số điện thoại của Minh chết đi. Tại sao em không nghĩ như vậy? Tại sao em không đi tìm Minh? Tôi bình thản bảo với Duy, điều tôi muốn không phải là cuộc kiếm tìm, lục tung thành phố phương Bắc kia để tìm ra Minh, để chứng minh rằng Minh có phản bội tôi hay không? Trong tình yêu, thứ cản trở lớn nhất không phải là sự phản bội. Sự cản trở lớn nhất trong tình yêu chính là sự cô đơn. Tình yêu tôi dành cho Minh đã song hành cùng nỗi cô đơn. Chỉ trong giờ phút gần nhau ngắn ngủi mới cảm nhận mình đang chạm được vào một phần của nhau, đang được bình yên. Ngay lúc bên nhau, tôi đã biết có thể, ngày nào đó, hoặc anh, hoặc tôi sẽ bỗng dưng biến mất, mà không sao tìm kiếm được nhau nữa. Giờ Minh đã biến mất rồi. Tôi rịn ra từng giọt hình ảnh cái chết Minh, cẩn trọng tỉ mỉ cho nó vào chai thủy tinh, cất nó thật kỹ và lôi nó ra nhìn ngắm mỗi ngày. Bên nhau, vào buổi chiều xám xanh ấy, Duy kể cho tôi nghe về lần anh đã trèo lên cành cây cao, bắt tổ chim và bóp nát từng quả trứng chim trong tổ, nhìn thoi loi vào mớ nước quánh đặc có lẫn máu và phôi thai. Anh nhìn như mê hoặc vào dòng chất lỏng đó, và đưa lưỡi liếm khẽ. Anh lại kể, trong nhiều giấc mơ anh đã thấy mẹ mình chết, và kỳ lạ là anh không hề buồn. Ngày mẹ anh thật sự mất vì bệnh tim, anh cũng không hề buồn. - Mình thật giống nhau! Dù có đi đâu, chia xa đến thế nào, mình cũng phải quay về với nhau thôi em ạ! Câu cuối, Duy ẩn ý thay lời đề nghị bắt đầu lại mối quan hệ đã đứt đoạn từ lâu giữa chúng tôi. Hít một hơi dài, nhìn sâu vào mắt Duy, tôi bảo, tôi sẽ để tang ba năm cho người đàn ông tôi yêu. Còn Duy, từ lâu lắm rồi, tôi không yêu anh nữa. Tình yêu không phải là sự tương thích chủ nghĩa bầy đàn. Sự giống nhau không phải là tình yêu. *** Bên kia đường, vào một ngày mưa nơi phương Bắc, dường như tôi thấy Minh đi dưới đường. Bên cạnh anh, người phụ nữ tóc dài bồng bềnh nép vào anh tránh những đợt nước mưa. Trên tay anh, chiếc ô đỏ thẫm màu máu, như chiếc ô anh từng mua cho tôi vào một ngày mưa trên cao nguyên. Màu đỏ chậm rãi di chuyển qua trước mắt tôi. Tôi uống nốt tách cà phê, đứng dậy, bước ra ngoài trời, ngược chiều người đàn ông cầm ô kia. Tôi đứng nhìn theo, và tự nhủ, có lẽ tôi nhầm. Minh đã chết trong giấc mơ tháng mười một rồi. Nguyễn Ngọc Tuấn

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/tnotuansan/pages/201039/20100923134445.aspx