Giá xăng và niềm tin của người dân

Giá xăng giảm tối qua 11.10, ngược lại, không khiến cho người dân hồ hởi. Đám đông trên mạng lại thể hiện sự hoang mang trước thông tin này.

Sự hoang mang này không làm ai ngạc nhiên, bởi lẽ, trước đây người ta đã chứng kiến xăng giảm giá “lấy đà” để sau đó tăng gấp 4-5 lần mức vừa giảm.

Mặc dù, mục đích của Bộ Tài chính khi yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải giảm giá xăng để nhằm hỗ trợ đời sống người dân sau những cơn bão. Tuy nhiên, người dân từ lâu đã không còn tin vào “lòng nhân” của những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh độc quyền.

Không chỉ giá xăng, dư luận đã từng “ngã ngửa” khi biết rằng mình còn phải đóng tiền điện để EVN hạch toán vào giá xây biệt thự, hồ bơi… và vụ lùm xùm này đến nay có vẻ đang “hóa bùn”.

Không chỉ giá xăng, dư luận còn phẫn nộ khi biết tiền thuế của mình đã được quy đổi thành 1,6 triệu USD để Dương Chí Dũng mua nhà cho bồ nhí để rồi Dũng cũng dùng chính những đồng tiền này thông đồng với em trai mình, một đại tá – Phó Giám đốc Công an, tìm đường trốn chạy.

Không chỉ giá xăng, dư luận còn bực dọc khi những ông lớn viễn thông có dấu hiệu bắt tay nhau cùng tăng cước phí 3G mà không thèm đếm xỉa đến chất lượng dịch vụ hoặc phản ứng của người tiêu dùng.

Ở trên chỉ là vài trong số nhiều ví dụ để giải thích tại sao người dân không còn tin vào sự tử tế của những doanh nghiệp nhà nước.

Giá xăng tăng giảm vài trăm đồng, có thể mang lại sự thay đổi mặt bằng giá cả của cả nền kinh tế bởi mọi thứ đều phụ thuộc vào giao thông, tuy nhiên, dân chúng lại tỏ ra thờ ơ thậm chí nghi ngờ “lòng tốt” của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Có vị quan chức nào, có vị đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nào cảm nhận được sự bẽ bàng này không !

Suy cho cùng, biểu đồ lên xuống của giá xăng không chỉ phản ánh giá cả thị trường mà còn phản ánh cả niềm tin của xã hội.

Trung Bảo.

Ảnh TL (minh họa)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/goc-quan-sat/gia-xang-va-niem-tin-cua-nguoi-dan/