Giá vé tham quan di tích tăng, chất lượng có tăng?

Sau hai tháng áp dụng mức điều chỉnh quy định về phí tham quan tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố, theo Nghị quyết số 16 năm 2023 của HĐND thành phố Hà Nội, nhiều khách tham quan và học sinh sinh viên trở nên e ngại hơn khi đến với các di tích, các công ty du lịch cũng đã phải cân đối, tính toán lại chi phí tour với khách hàng. Liệu việc tăng giá phí tham quan có đồng nghĩa với việc tăng chất lượng phục vụ hay không?

Được biết, giá vé tại các di tích so với mức quy định 2020 tăng từ 1,5 đến 3 lần. Cụ thể, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám tăng 2,3 lần, từ 30 lên 70 nghìn đồng; di tích Hỏa Lò từ 30 lên 50 nghìn đồng; đền Ngọc Sơn tăng 1,6 lần, từ 30 lên 50 nghìn đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ 30 lên 100 nghìn đồng, tăng 3,3 lần; Cổ Loa từ 10 lên 30 nghìn đồng, tăng 3 lần; chùa Hương tăng từ 78 lên 120 nghìn đồng, tăng 1,5 lần...

Giá vé tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tăng gấp đôi từ ngày 1/1/2024. Ảnh: Thu Giang

Theo ý kiến của một số học sinh, sinh viên cho biết, việc tăng giá các loại vé vào các khu di tích lịch sử là cần thiết, nhưng nên có chương trình khuyến mãi hoặc miễn phí cho học sinh, sinh viên thì sẽ tốt hơn. Bởi có trường hợp các em không đủ điều kiện kinh tế để mua vé vào thăm quan các di tích lịch sử. Nhưng với một số em khác lại cho rằng nên giữ nguyên giá vé cũ để khuyến khích học sinh, sinh viên tới tham quan nhiều hơn để tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Nhất là những bạn học về văn hóa – lịch sử địa phương luôn phải thường xuyên lui tới các địa danh văn hóa, lịch sử để tìm hiểu và nghiên cứu. Bên cạnh đó, các em cũng mong muốn khi triển khai việc tăng giá vé tại các di tích, cũng nên cải thiện chất lượng dịch vụ tại những nơi này.

Anh Nguyễn Đức Trường Giang – công ty du lịch Lucky Tour cho hay: “Tôi thấy từ khi đền Ngọc Sơn tăng giá tham quan, nhưng chất lượng dịch vụ so với trước đây không thấy gì khác, nên quay lại mức giá cũ. Còn ở Văn Miếu Quốc Tử giám với mức vé 70.000 cũng là một mức vé phù hợp so với mặt bằng các điểm di tích khác như ở Huế giá vé tham quan khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Còn khu di tích Hoàng thành Thăng Long, không được đầu tư tu bổ nhiều, nên nếu tăng giá vé thì các công ty du lịch có thể không đưa khách tới đó để tiết kiệm chi phí”. Còn Anh Nguyễn Minh Tường - một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, khi các công ty du lịch thấy việc tăng giá vé các điểm tham quan khiến lợi nhuận của công ty sẽ thấp đi và phải tăng giá tour của khách thì họ có thể chọn nơi khác.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn thu hút đông đúc khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Ảnh: Kinhtedothi

Việc tăng giá vé tham quan di tích, thắng cảnh để tăng chất lượng dịch vụ cho du khách là cần thiết. Nhưng thời điểm tăng giá vé cũng cần được bảo đảm hài hòa cùng lợi ích của người dân. Khẳng định việc tăng giá vé tham quan để có nguồn đầu tư cho chất lượng dịch vụ tốt hơn là hợp lý, tuy nhiên PGS Bùi Thị An, thành viên Hội đồng tư vấn xã hội của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ và có lộ trình thích hợp, bởi thời điểm này Thủ đô Hà Nội đang xây dựng là điểm đến hấp dẫn, cần làm cho người dân hiểu thêm về truyền thống, lịch sử Thủ đô.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, phần lớn các di tích thắng ở Hà Nội hiện nay hoạt động theo cơ chế tự chủ, không được thành phố bao cấp. Việc bảo tồn, tu bổ di tích, bảo đảm vệ sinh môi trường thường xuyên đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Tăng giá vé tham quan theo biến động của trượt giá và giá cả thị trường là cần thiết.

Tăng giá đi cùng với tăng những dịch vụ, hoạt động để cho những người người ta bỏ tiền mua vé người ta được hưởng thụ thì tăng giá là hợp lý và vì mục đích là giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đó là quan điểm của TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra ý kiến: “Hiện nay các điểm di tích danh thắng Hà Nội đều tăng giá vé vào tham quan khi mong muốn tránh quá tải du khách, ảnh hưởng tiêu cực đến sức sống của di sản cũng như có thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đây cũng là xu thế chung của thế giới và Việt Nam, để mong muốn du khách thể hiện trách nhiệm của mình đối với di tích. Tuy nhiên, khi thực hiện tăng giá vé di tích, chúng ta cũng cần phải giải trình minh bạch, công khai các khoản thu, chi tại di tích và tính toán lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, nhất là học sinh, sinh viên và các nhóm yếu thế khác trong xã hội để bảo đảm khả năng tiếp cận của họ đến di tích cũng như tạo điều kiện để các giá trị văn hóa của di tích đến được với những nhóm du khách mục tiêu như học sinh, sinh viên nhằm nuôi dưỡng tình yêu và sự hiểu biết của họ với di sản văn hóa dân tộc. Và làm được điều đó, tôi nghĩ các địa phương và các điểm di tích cần có những chính sách giá đặc thù như miễn, giảm giá vé cho những nhóm đặc biệt đó”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Để liên tục ra mắt các chương trình đặc sắc thu hút khách tham quan hàng ngày, toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên khu di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Quốc Tử Giám, đây là nỗ lực của toàn bộ tập thể cán bộ và nhân viên, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách hơn nữa, ngay cả khi giá vé còn chưa tăng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần dành ra những ưu tiên sao cho các đối tượng như: trẻ em dưới 16 tuổi, người khuyết tật nặng được miễn vé vào cửa; người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên, người ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, người có công với cách mạng được giảm 50% giá vé. Vào ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hằng năm, tất cả di tích không thu vé; các dịp lễ quan trọng trong năm tại một số di tích, thắng cảnh cũng không thu vé vào cửa... Một trong những mục tiêu của chúng ta là thông qua hoạt động tham quan di tích nhằm tuyên truyền giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc tới công chúng.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội. Ảnh: Baogiaothong

“Mục đích của chúng ta là tuyên truyền giá trị văn hóa lịch sử cho giới trẻ hiện nay và khi giá vé tăng, mà đồng tiền eo hẹp thì đồng nghĩa với việc hạn chế những việc chúng ta đang tuyên truyền, giáo dục. Bởi mục tiêu cuối cùng hướng đến quảng bá di sản, khẳng định giá trị của di sản. Vậy các nhà lãnh đạo của Hà Nội chắc chắn sẽ tính đến những chính sách tốt nhất để khuyến khích, động viên các em. Đồng thời không làm giảm thu nhập đối với các di sản và cũng không vì thế hạ thấp giá trị của các di sản. Bên cạnh việc tăng giá thăm quan, các địa điểm di tích cũng cần phải tăng chất lượng dịch vụ và có những chính sách khác để khuyến khích, hỗ trợ những đối tượng cần được hỗ trợ”, TS Nguyễn Viết Chức bày tỏ./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/gia-ve-tham-quan-di-tich-tang-chat-luong-co-tang-224375.htm