Giá vé máy bay tăng cao do đâu?

Giá vé máy bay liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay, cả hãng bay lẫn cơ quan quản lý đều đưa ra những nguyên nhân khác nhau để giải thích cho tình trạng này.

 Giá vé máy bay dù tăng cao nhưng các hãng cho biết hiện giá bán vẫn dưới mức trần cho phép. Ảnh: VNA.

Giá vé máy bay dù tăng cao nhưng các hãng cho biết hiện giá bán vẫn dưới mức trần cho phép. Ảnh: VNA.

Sau cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, giá vé máy bay trong nước vẫn liên tục tăng cao và không hề có dấu hiệu hạ nhiệt dù cao điểm du lịch hè vẫn chưa tới.

Một loạt nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao được các hãng hàng không cũng như cơ quan quản lý đưa ra. Tuy vậy, các bên đều cho rằng các yếu tố cấu thành giá vé máy bay vẫn được quản lý thu theo đúng quy định và giá vé máy bay có tăng cao nhưng vẫn chưa vượt trần cho phép.

Loạt nguyên nhân được đưa ra

Theo báo cáo mới đây từ Cục Hàng không, trong giai đoạn từ đầu năm đến 30/4, giá vé hạng phổ thông trên các đường bay nội địa của các hãng cơ bản có tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, tổng giá bán và phí quản trị hệ thống không vượt 4 triệu đồng - mức trần theo quy định mà hành khách phải trả cho một vé máy bay nội địa (chưa bao gồm thuế VAT và các khoản thu hộ).

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/5, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết giá vé máy bay tăng do giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá tăng 8%. Theo đó, các chi phí này chiếm đến 65-70% cơ cấu giá vé.

Bên cạnh đó, theo ông Huy, tại Việt Nam, đội bay có 33 máy bay chủ yếu là Airbus A321 và A320 đang phải tạm dừng để kiểm tra, khắc phục động cơ. Việc này bắt buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công và tàu bay nên chi phí đều tăng cao.

Ngoài ra, do nhu cầu đi lại tăng cao, việc mua vé máy bay sát giờ cũng khiến giá vé đắt đỏ hơn 20%.

Vị Thứ trưởng GTVT khẳng định việc giá vé tăng là xu hướng chung của tất cả hãng hàng không trên thế giới. Trong khi đó, Thái Lan có thể giảm giá vé là nhờ chính sách kích cầu du lịch, giảm triệt để các chi phí đối với hàng không, do đó phí cất hạ cánh, điều hành bay đều giảm mạnh.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, theo Cục Hàng không, giá vé máy bay nội địa tăng còn thị trường hiện phụ thuộc chủ yếu vào năng lực cung ứng của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trong khi đó, Pacific Airlines đang phải dừng bay sau khi trả hết tàu hồi cuối tháng 3. Đội bay của Vietravel Airlines hiện chỉ có 3 tàu bày, còn Bamboo Airways sau giai đoạn tái cơ cấu đã thu hẹp quy mô cả về đội bay và mạng bay nội địa.

Do đó, trong bối cảnh Vietnam Airlines và Vietjet Air không thể huy động tối đa năng lực đội bay (do phải kiểm tra, khắc phục động cơ), tình trạng chênh lệch cung - cầu đã xảy ra khiến giá vé nội địa tăng cao.

 Cơ quan quản lý khẳng định thuế, phí sân bay không tác động nhiều đến giá vé. Ảnh: Cục Hàng không.

Cơ quan quản lý khẳng định thuế, phí sân bay không tác động nhiều đến giá vé. Ảnh: Cục Hàng không.

Liên quan đến giá vé máy bay, nhiều quan điểm cũng cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy giá vé cao quá mức là các khoản thuế, phí hiện nay hãng bay phải chịu. Theo thống kê, các hãng hàng không hiện phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cho rằng tình trạng này không phải do thuế, phí. Theo đó, các khoản phí cấu thành giá vé là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không chứ không phải là khoản phí thuộc ngân sách Nhà nước.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng khẳng định phí sân bay rất thấp khó tác động đến giá vé.

Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết đang thu hộ Nhà nước giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các hãng hàng không. Mức giá dịch vụ này áp dụng hơn 7 năm qua, theo quyết định của Bộ GTVT từ năm 2017 đến nay chưa thay đổi.

Về giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách cùng hành lý có giá cao nhất là 120.000 đồng/chuyến, ACV cho rằng mức giá này khá thấp trong tổng số tiền khách chi trả cho một vé máy bay mà các hãng hàng không đang áp dụng.

Cần một thị trường cạnh tranh tích cực hơn

Chia sẻ với Tri thức - Znews, một chuyên gia hàng không cho biết giá vé máy bay đắt đỏ không đến từ một lý do cụ thể từ phía hãng bay hay cơ quan quản lý. Giá vé bị tác động bởi nhiều yếu tố mà trong đó, nguyên nhân sâu xa đến từ một thị trường độc quyền, chưa cởi mở và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Cụ thể hiện tại, ACV là đơn vị quản lý độc quyền 22 sân bay trên cả nước. Điều này khiến khách hàng không có lựa chọn khác mà phải đóng các khoản phí theo quy định. Các hãng hàng không cũng phải sử dụng dịch vụ độc quyền từ đơn vị này.

"ACV thu thuế, phí không sai quy định nhưng các khoản phí này vẫn có thể tối ưu hơn nữa", vị chuyên gia khẳng định.

Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất - cửa ngõ khu vực phía Nam - cũng thường xuyên rơi vào tình trạng quả tải về hạ tầng, không có đủ slot bay khi các hãng muốn tăng tần suất khai thác. Điều này cũng là một hạn chế tạo thêm áp lực về chi phí trong việc vận hành lên các hãng hàng không.

Với các hãng bay, vị chuyên gia nhấn mạnh không thể chỉ kêu gọi hoặc tạo áp lực để hãng bay giảm giá vé. Ở góc độ kinh doanh, các hãng đều phải cân đối các biến phí để tránh cảnh kinh doanh thua lỗ.

Hiện tại, thị trường Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào 2 hãng bay ở 2 phân khúc khác nhau là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Việc này không tạo được động lực cho sự cạnh tranh tích cực nhằm đưa ra mức giá có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Vì vậy, theo chuyên gia, Nhà nước cần thiết lập các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không mới tham gia. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo nên một thị trường sôi động với tính cạnh tranh cao mà khách hàng là người hưởng lợi.

Nhà nước cần thiết lập các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không mới tham gia. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo nên một thị trường sôi động với tính cạnh tranh cao mà khách hàng là người hưởng lợi.

Chuyên gia hàng không (đề nghị giấu tên)

Nói về việc Thái Lan có thể giảm giá vé máy bay ngay trong mùa cao điểm, vị chuyên gia cho rằng là nhờ các chính sách kích cầu du lịch, giảm triệt để chi phí đối với hàng không, do đó phí cất hạ cánh, điều hành bay đều giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường Thái Lan với sự cạnh tranh đến từ 6 hãng hàng không cũng giúp hành khách có nhiều lựa chọn hơn.

"Trong gần 20 năm qua, hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia đã có 4 lần tìm cách liên kết với các đối tác Việt Nam để hoạt động trên các đường bay nội địa nhưng không thành công. Đây chính là ví dụ về sự bất cập trong chính sách và sự hạn chế về hạ tầng của ngành hàng không Việt Nam", chuyên gia nhấn mạnh.

Dù vậy, vị này tin rằng trong tương lai, việc nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cùng sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho ngành hàng không đi lên và giá vé sẽ đi xuống.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-ve-may-bay-tang-cao-do-dau-post1475216.html