Giá vé chạm đáy, tàu điện cao tốc Nhật Bản vẫn trống rỗng

Dịch Covid-19 không chỉ tàn phá ngành hàng không Nhật Bản mà còn đẩy các công ty tàu điện cao tốc nước này lún sâu trong thua lỗ.

Theo Bloomberg, những ngày này, nhà ga trung tâm Tokyo - thủ đô Nhật Bản - không còn đông đúc, ồn ào như trước đây. Vào một buổi chiều cuối tháng 9, chỉ còn lác đác vài bóng người đi nhanh qua những cửa hàng bán đồ ăn.

"Tôi nhìn thấy nhiều nhân viên dọn dẹp tàu hơn hành khách", Bloomberg dẫn lời anh Taro Aoki, người quản lý 18 cửa hàng đồ ăn nhanh tại nhà ga liên thành phố của thủ đô Nhật Bản, nhận xét. "Trước đây, mọi người thường vội vã chọn đồ ăn và xếp hàng chờ đợi. Nhưng giờ, hầu như chẳng còn ai", anh nói thêm.

Đây là quãng thời gian người Nhật Bản thường ra khỏi thành phố để tận hưởng khoảnh khắc giao mùa. Tuy nhiên, số lượng hành khách đặt tour rất thấp. Không chỉ các hãng hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, những hãng tàu cao tốc cũng lâm nguy.

Cảnh vắng vẻ tại nhà ga trung tâm ở thủ đô Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Nhà ga hoang lạnh

East Japan Railway Co. and West Japan Railway Co., hai trong số những công ty tàu điện cao tốc lớn nhất tính theo doanh thu bán vé, có thể đối mặt mức lỗ lớn nhất kể từ khi mạng lưới đường sắt của Nhật Bản được tư nhân hóa vào năm 1987.

East JR dự kiến lỗ 418 tỷ yen (4 tỷ USD) trong năm tài chính 2020, so với lợi nhuận 198,4 tỷ yen (1,87 tỷ USD) hồi năm ngoái. Trong khi đó, West JR có khả năng lỗ 240 tỷ yen (2,27 tỷ USD).

Các bức ảnh chụp toa tàu siêu tốc trống rỗng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. "Chuyến tàu (trống rỗng) như thế này ngay cả khi giá vé đã giảm một nửa", một người dùng Twitter đăng tải hình ảnh những chiếc ghế ngồi trống không trên chuyến tàu East JR, khởi hành từ tỉnh Iwate đến đảo Honshu.

Chiến dịch Go To được chính quyền Nhật Bản khởi động để thúc đẩy du lịch trong nước, nhưng cũng không mang lại niềm hy vọng cho tàu cao tốc ở Nhật Bản. Kể từ hồi tháng 7, chiến dịch này cung cấp trợ giá 50% phương tiện đi lại, khách sạn và điểm tham quan du lịch tại Nhật Bản.

Hình ảnh những ghế ngồi trống không được hành khách đăng tải trên Twitter. Ảnh: Twitter.

Tuy nhiên, khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng tại Nhật Bản, người tiêu dùng nước này e ngại, không dám đi du lịch dù chỉ là những chuyến đi ngắn. Một số quan chức chính quyền Tokyo thừa nhận chiến dịch Go To thất bại hoàn toàn.

Những người khác bày tỏ lo ngại rằng các chương trình thúc đẩy du lịch của chính quyền Nhật Bản sẽ khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người Nhật muốn đi du lịch bằng xe riêng để tránh tiếp xúc với người khác.

Ông Yoshitaka Watanabe, Trưởng Bộ phận Tiếp thị của East JR, cho rằng “có lẽ ngành tàu điện cao tốc Nhật Bản không thể quay lại thời kỳ trước dịch Covid-19”. "Ngành công nghiệp kỳ vọng vào sự phục hồi hình chữ V. Giờ, nó có thể là hình chữ L", ông than thở.

Vé giá rẻ

Lượng hành khách trên các chuyến tàu cao tốc của East JR giảm 74% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Central Japan Railway Co. cũng chứng kiến mức sụt giảm tương tự. Công ty này dự kiến lỗ 53,3 tỷ yen trong năm nay. Giá cổ phiếu của East JR giảm 33% trong năm nay, trong khi cổ phiếu của Central JR giảm giá 29,5%.

East JR bắt đầu chương trình ưu đãi vé giá rẻ vào tháng 8. Dù vậy, chương trình không nằm trong chiến dịch Go To của chính phủ. Tính đến ngày 25/9, chương trình này giúp công ty nhận được hơn 300.000 lượt đặt vé trước.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Hiroshige Muraoka của Viện Nghiên cứu Nomura, với mức chiết khấu và chi phí cố định cao như vậy, các công ty tàu điện cao tốc sẽ phải vật lộn và rất khó có lãi ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Central JR hiện cũng cung cấp các gói giảm giá 50% cho những chuyến đi trong ngày. Các chuyến tàu của công ty nối liền những thành phố bao gồm Tokyo, Hakata và Kyoto. Hồi tháng 7, số lượng du khách quốc tế đến Kyoto đã giảm 99,8% so với một năm trước đó. Số hành khách nước ngoài dao động gần mức 0 trong 4 tháng liên tiếp.

Các hãng tàu giảm vé sâu nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, số lượng khách trong nước giảm 50%, theo Hiệp hội Du lịch Kyoto. "Các cửa hàng, khách sạn xung quanh tôi đều đóng cửa. Một cơn lũ hủy phòng đã xảy ra", bà Mari Koike, 69 tuổi, chủ một nhà khách ở trung tâm thành phố Kyoto, buồn bã nói.

East JR hiện xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh hậu cần, bao gồm cung cấp thực phẩm địa phương và đặc sản địa phương như nho, lê và cá cho người tiêu dùng.

Hồi tháng 7, cô Yui Muranushi, 24 tuổi, làm việc ở Gion - một khu giải trí cao cấp của Kyoto - lên kế hoạch đến Tokyo mỗi tuần một lần để biểu diễn tại các sự kiện khi cả nước chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè. "Giờ, tất cả công việc đều bị hủy bỏ. Chỉ cần có một khách hàng thôi tôi cũng đã thấy may lắm rồi", cô Muranushi than thở.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-ve-cham-day-tau-dien-cao-toc-nhat-ban-van-trong-rong-post1138383.html