Giá vật tư nông nghiệp tăng, nông dân gặp khó

Từ đầu năm đến nay, các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa, giống ngô đều đồng loạt tăng giá khiến sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng. Với những cây trồng ngắn ngày như lúa và ngô, lợi nhuận mỗi vụ sản xuất không cao thì việc giá vật tư nông nghiệp leo thang khiến nhiều nông dân phải tính toán lại khi đầu tư vào sản xuất.

Nông dân Mường Khương bón đạm cho lúa mùa sớm trên ruộng 1 vụ.

Nông dân Mường Khương bón đạm cho lúa mùa sớm trên ruộng 1 vụ.

Theo khảo sát của phóng viên tại thị trường Lào Cai, mặt hàng phân bón đang có mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Giá phân lân, đạm, phân hữu cơ đều tăng mạnh, trong đó cao nhất là phân đạm.

Theo chị Hoàng Thị Phương, chủ một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), các loại phân bón bắt đầu tăng giá từ đầu năm và tăng mạnh từ 2 tháng gần đây. Tăng cao nhất là phân đạm Urê Hà Bắc. Cùng kỳ năm 2020, đạm Urê Hà Bắc tại cửa hàng được bán với giá 380 nghìn đồng/bao 50 kg thì năm nay là 570 nghìn đồng/bao, tăng 190 nghìn đồng/bao (tương đương tăng 3,8 triệu đồng/tấn). Phân NPK các hãng có mức tăng trung bình 1 triệu đồng/tấn.

“Giá phân bón tăng khiến lượng phân bón bán ra giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Cửa hàng đã chủ động giảm giá để chia sẻ với nông dân. Trước đây, mỗi bao phân bón gia đình tôi lãi khoảng 15 nghìn đồng nhưng năm nay chỉ lãi 5 - 7 nghìn đồng, tuy nhiên vẫn vắng khách”, chị Hoàng Thị Phương nói.

Chị Phương cũng cho biết, không chỉ phân bón mà các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 10 - 30% và giá ngô giống, lúa giống có mức tăng “khiêm tốn” hơn các loại vật tư khác, ở mức 5 - 10 nghìn đồng/kg.
Giá vật tư nông nghiệp tăng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của nông dân. Tại xã Bản Lầu (huyện Mường Khương), sau khi thu hoạch dứa, nông dân đang bước vào giai đoạn trồng và chăm sóc dứa vụ mới, lượng phân bón cần để phục vụ sản xuất rất lớn. Với 10 nghìn gốc dứa, người trồng cần trung bình 1 tấn phân lân NPK và 1 ha dứa sẽ cần khoảng 4 - 5 tấn phân bón.

Gia đình anh Vương Đức Mạnh (thôn Na Nhung, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) có 120 nghìn gốc dứa, tương đương với nhu cầu sử dụng 12 tấn phân bón. Anh Mạnh cho biết: Giá phân bón tăng quá cao nên tôi đã giảm lượng phân bón cho mỗi cây dứa. Trước đây, trung bình mỗi nắm lân tôi bón cho 1 gốc dứa thì nay phải chia cho 2 gốc. Mỗi năm cây dứa cần bón 2 lần phân lân, 1 lần phân đạm thì nay giảm xuống bón 1 lần phân lân, 1 lần phân đạm.

Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang bắt đầu sản xuất vụ mùa. Giá các loại vật tư nông nghiệp tăng nên nhiều hộ đã giảm đầu tư cho sản xuất để bớt chi phí đầu vào. Nhiều hộ có chăn nuôi gia súc cũng chủ động tăng sử dụng phân chuồng để bón cho các loại cây trồng.

Anh Bùi Văn Sỹ (thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) cho biết: Cây ngô của gia đình tôi đang đến giai đoạn vun gốc và bón đạm nhưng giá đạm cao quá. Nếu cứ đầu tư phân bón thì đến cuối vụ giá bán ngô chưa chắc bù được chi phí đã đầu tư. Từ đầu vụ, tôi không bón đạm, chỉ bón lân và phân chuồng.

Việc giảm đầu tư cho sản xuất có thể ảnh hưởng tới năng suất các loại cây trồng. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, ứng dụng các phương pháp canh tác lúa cải tiến, sản xuất theo cánh đồng 1 giống để tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, nông dân cần tự ủ các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh bón cho các loại cây trồng. Bà con có thể tham khảo các phương pháp ủ phân hữu cơ như kỹ thuật ủ nổi hoặc ủ chìm đối với phân chuồng, phân bắc, ủ kết hợp với một trong các loại phân, sản phẩm vi sinh; ủ phân xanh với phân men là phân chuồng tươi, chế phẩm vi sinh và các loại thân, lá cây xanh… Bà con cần sử dụng một trong các loại phân, chế phẩm vi sinh như phân vi sinh Sông Danh tỷ lệ 3 - 5%, chế phẩm EM, Penac PR hoặc Bio-Plant… để ủ phân với thời gian khoảng 40 - 60 ngày.

Các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh khi ủ đạt yêu cầu sẽ tơi xốp, có màu nâu đen, không còn mùi hôi thì đem bón trực tiếp phân ủ cho cây trồng với lượng 5 - 10 tạ/sào Bắc Bộ (360 m2), có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều rất tốt.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213723-gia-vat-tu-nong-nghiep-tang-nong-dan-gap-kho