Giá vàng 'phi mã': Nên mua hay bán chốt lời?

Sau Tết Nguyên đán, giá vàng trên thị trường 'phi mã', đặc biệt là vào trước ngày vía thần tài. Những tưởng rằng giá vàng sẽ giảm sau ngày này, nhưng bất chấp quy luật tự nhiên, vàng bất ngờ 'phi mã'. Sáng nay (9/3), vàng đã lập kỷ lục mới ở mức 82 triệu đồng/lượng. Nhiều nhà đầu tư cá nhân như ngồi trên chảo lửa, không biết nên mua vào, bán ra chốt lời hay… ngồi chờ.

Nhà đầu tư nhỏ không quá sốt ruột

Giá vàng phi mã, những nhà đầu tư nhỏ hoặc cá nhân có thói quen tích trữ vàng lại tỏ ra khá bình tĩnh. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Kim Ngưu, Hà Nội) cho biết, từ 10 năm nay, mỗi tháng anh dành một khoản lương để tiết kiệm bằng cách mua 1 chỉ vàng để cất giữ.

Chị Vũ Thị Huyền tích trữ vàng miếng và vàng nhẫn

Tháng nào có thu nhập đột xuất, anh có thể mua đến 2-3 chỉ vàng. Vàng cứ để đấy theo thời gian sẽ tự tăng giá, chủ yếu tăng theo thị trường nên cũng không sợ lỗ. Khi gia đình có việc anh sẽ bán số vàng tích lũy để chi tiêu rồi lại tiếp tục tích lũy.

Anh Hùng cho biết thêm: “Sau Tết gia đình tôi có mua thêm được 5 chỉ vàng. Hiện tại số vàng tích lũy đã được tổng cộng 8 lượng. Với giá vàng hiện nay nếu đem bán sẽ được vào khoảng hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi cũng khá băn khoăn có nên bán hay không? Nếu bán mà giá vàng lại tăng tiếp thì sẽ vô cùng tiếc, còn nếu sau khi lập đỉnh, giá vàng giảm thì lại mất cơ hội. Tuy nhiên, tôi cũng không sốt ruột”.

Không như anh Nguyễn Mạnh Hùng, chị Lê Thị Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại vô cùng sốt ruột bởi chị đang có hơn 500 triệu gửi ngân hàng mà lãi suất lại khá thấp. Nhiều người tư vấn chị nên nhanh chóng rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang tích trữ vàng nhưng hai vợ chồng vẫn còn đang tiếp tục bàn luận.

“Từ hôm mùng 7/3 đến giờ hai vợ chồng theo dõi, đọc thông tin và các nhận định về giá vàng để quyết định có nên rút tiền ở ngân hàng về đầu tư mua vàng hay không nhưng vẫn chưa quyết được. Đi hỏi thì mỗi người khuyên một kiểu, rất lưỡng lự. Có thể chúng tôi sẽ rút một phần tiền để mua vàng”, chị Hương nói.

Còn chị Vũ Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội), một cá nhân mua vàng nhỏ, lẻ để tích trữ thì cho rằng, nếu hiện tại có tiền thì chắc chắn sẽ đi mua thêm bởi “về lâu dài, vàng cũng có giảm đâu”.

Đến thời điểm trưa 9/3, giá vàng vẫn tăng như vũ bão, vàng SJC lập đỉnh cao mới 82,2 triệu đồng/lượng. Điều đáng chú ý là khi giá mua vào của SJC giảm 200 nghìn đồng/lượng nhưng giá bán ra lại tăng 300 nghìn đồng/lượng so với hôm qua (8/3), khiến giá bán ra vượt mức 82 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cao kỷ lục, vượt đỉnh 69 triệu đồng/lượng.

Nhận định thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng biến động rất bất thường, nếu mua vàng để tích trữ thì nên mua, còn nếu đầu tư "lướt sóng" lúc này rất rủi ro. Chỉ nên sử dụng 1/3 số tiền đang có để mua vàng, còn lại để gửi tiết kiệm và đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản và không nên vay tiền để mua vàng. Còn đối với những người đang có vàng, nếu giá bán ra có thể lãi so với thời điểm mua vào khoảng 20% thì nên “chốt lời” ngay.

Không nên “dốc vốn mua vàng”

Với đà phi mã như hiện nay, nhiều người còn cho rằng vàng tiếp tục đạt tới sát mốc gần 100 triệu đồng/lượng, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, nên mua hay nên bán vẫn luôn là câu hỏi khó và phần trả lời tùy thuộc vào khả năng phán đoán hướng đi của thị trường. Lời khuyên do các chuyên gia kinh tế đưa ra bao giờ cũng là thận trọng và cân nhắc thật kỹ lưỡng trước mỗi quyết định.

Trao đổi với Lao động Thủ đô, ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng tăng kỷ lục một phần do tâm lý người tiêu dùng muốn tìm đến các kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro.

Thực tế, hiện các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang rơi vào thời kỳ bất ổn. Mặt khác, các kênh đầu tư này chỉ dành cho đối tượng nhà đầu tư trung cấp, còn người dân có nguồn tiền nhàn rỗi thường chọn gửi tiết kiệm và mua vàng cho an toàn.

Giá vàng tăng kỷ lục một phần do tâm lý người tiêu dùng muốn tìm đến các kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro.

Đặc biệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lãi suất giảm sâu ở tất cả các kỳ hạn. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại tiếp tục giảm lãi suất. Vì vậy, gửi tiết kiệm ngân hàng không còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân có tiền nhàn rỗi, trong khi giá vàng thời gian qua tăng 14 - 15% khiến tâm lý người dân bị ảnh hưởng, đổ dồn đi mua vàng.

“Chúng ta phải xác định vàng không còn là phương tiện thanh toán mà là một loại hàng hóa. Khi hàng hóa lên đỉnh thì sẽ phải xuống để về trạng thái ổn định. Tùy theo nhà đầu tư quyết định kênh và phương thức đầu tư. Nhưng với cá nhân tôi, ở thời điểm giá vàng quá cao tôi cân nhắc lựa chọn danh mục đầu tư. Ví dụ chỉ dùng 30% tiền tiết kiệm đầu tư vào vàng chứ không bỏ hết 100%. Tuy nhiên, nếu ai thích đầu tư vàng và đã đầu tư trên 30% rồi thi nên bán để chốt lời”, ông Huỳnh Trung Khánh phân tích.

Từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn trơn cũng tăng 2,5 triệu đồng/lượng. Đến nay, giá vàng đã vượt mức giá 82 triệu đồng/lượng, giá cao nhất mọi thời đại. Giá vàng trang sức cũng tăng lên mức giá cao kỷ lục.

Bảo Thoa - Vũ Quế

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gia-vang-phi-ma-nen-mua-hay-ban-chot-loi-167331.html