Giá vàng hôm nay (18/4): Vàng miếng tiếp tục tăng, chuyên gia cho rằng nên nhập khẩu thay vì đấu thầu vàng

Sáng nay, vàng miếng trong nước ghi nhận mức giá tăng nhẹ. Trong khi đó, vàng nhẫn nhìn chung không có dấu hiệu chênh lệch nhiều so với hôm qua. Chuyên gia dự báo, cần giải pháp phù hợp hơn với thị trường vàng trong nước.

Ghi nhận lúc 5h sáng nay (18/4), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào, 84,1 triệu đồng/lượng bán ra. So với rạng sáng qua, mức giá này đã tăng 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều. Chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra là 2 triệu đồng/lượng.

Tương tự, mức giá với SJC, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá mới nhất ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào, 84,1 triệu đồng/lượng bán ra. Tăng 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều. Mức giá này áp dụng đối với PNJ cả 3 chi nhánh Hà Nội và Đà Nẵng và TP HCM.

Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tại Hà Nội, doanh nghiệp này niêm yết giá vàng ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.

Vàng miếng trong nước ghi nhận mức tăng nhẹ

Vàng nhẫn trước giờ mở cửa phiên sáng nay không ghi nhận chênh lệch nhiều so với cùng thời điểm sáng qua. Cụ thể, vàng nhẫn được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết nguyên giá so với rạng sáng qua, ở mức 74,7 – 76,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức chênh lệch 2 chiều là 1,9 triệu đồng/lượng.

Còn tại Bảo tín Minh Châu, vàng nhẫn niêm yết ở mức 75,17 – 76,87 triệu đồng lượng, tăng 160.000 đồng/lượng chiều mua vào, giảm 160.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia phân tích, trên thế giới, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng.

Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, nhưng giá cả lại chênh lệch rất lớn. Về điều này, chuyên gia cho rằng hết sức “phi lý”. “Chúng ta nên trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Theo ông Nghĩa, muốn xóa bỏ sự chênh lệch phi lý này giữa giá vàng trong nước với thế giới, chúng ta cần các biện pháp thương mại chứ không phải biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép các công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện xuất nhập khẩu để họ tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nêu hướng khắc phục tình trạng chênh lệch giá vàng

Về phía cơ quan quản lý, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, có thể dùng công cụ mạnh nhất của Chính phủ để xử lý vấn đề này là thuế. Hải quan hiện nay đã áp dụng hải quan điện tử, có thể quản lý chặt chẽ chuyện xuất nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.

Trên thế giới, theo Bloomberg, Ngân hàng Citigroup đã cùng với các ngân hàng khác trên Phố Wall nâng dự báo cho giá vàng. Citigroup cho biết, vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6 - 18 tháng tới do dòng vốn đầu tư đổ vào ngày càng tăng trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.

Ông Aakash Doshi, Nhà phân tích của Citigroup đã nâng ước tính về giá vàng trung bình trong năm 2024 lên 2.350 USD/ounce và điều chỉnh tăng dự báo cho năm 2025 thêm 40%, lên mức 2.875 USD/ounce. Theo các chuyên gia, giá vàng sẽ vượt ngưỡng thử nghiệm 2.500 USD/ounce vào nửa cuối năm 2024.

Mộc Trà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/gia-vang-hom-nay-184-vang-mieng-tiep-tuc-tang-chuyen-gia-cho-rang-nen-nhap-khau-thay-vi-dau-thau-vang-122114.html