Giá trị nhân văn trong nghi lễ cấp sắc của người Dao

Một người đàn ông dân tộc Dao chỉ được coi là thực sự trưởng thành khi trải qua nghi lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc không chỉ thể hiện ý nghĩa tâm linh mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Chúng tôi may mắn được chứng kiến một lễ cấp sắc của dân tộc Dao Lù Gang tại thôn An Bình (xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng như được những người dân nơi đây chia sẻ về ý nghĩa tốt đẹp của nghi lễ này.

Theo quan niệm của người Dao Lù Gang, người đàn ông dù ít tuổi nhưng đã trải qua nghi lễ cấp sắc vẫn được cộng đồng thừa nhận. Họ được tham gia vào những công việc quan trọng trong cộng đồng, dòng họ, người nào học chữ Nôm Dao thì được biết thêm nghi lễ cúng bái.

Quan trọng hơn, truyền thuyết của dân tộc Dao còn cho rằng, chỉ khi trải qua nghi lễ này, khi mất đi thì linh hồn người đàn ông mới có thể về đoàn tụ với tổ tiên. Ngược lại, nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù đã nhiều tuổi vẫn chưa được coi là trưởng thành, không được tham gia các công việc hệ trọng trong cộng đồng. Thậm chí nếu chưa được cấp sắc, dù là con trưởng cũng không được thờ cúng tổ tiên.

Chuẩn bị các tài liệu, lễ vật và trang phục cho nghi lễ cấp sắc.

Lễ cấp sắc của dân tộc Dao Lù Gang tại Lạng Sơn thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng theo lịch âm. Người Dao Lù Gang có thể cấp sắc theo một đợt tối đa 13 người, nếu ít hơn thì phải theo số lẻ (3, 5, 7…). Một buổi lễ cấp sắc của dân tộc Dao Lù Gang đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu, có những gia đình phải chuẩn bị trước hàng năm trời. Riêng về lễ vật, gia chủ phải chuẩn bị lợn, gà, xôi nếp… để cúng bái tổ tiên và theo các vị thần của Bàn Vương (thủy tổ của người Dao).

Theo phong tục, để thực hiện lễ cấp sắc, gia chủ phải mời 7 thầy cúng, thông thường đều là những người dân tộc Dao trong vùng. Trong số các thầy cúng thì thầy cả và thầy hai là có vai trò quan trọng nhất. Gia chủ lựa chọn rất kỹ lưỡng về năng lực, phẩm chất đạo đức, nhà tổ của thầy cúng cũng như việc họ tin tưởng vào ai nhất để làm thầy. Những người thụ lễ sẽ gọi thầy cúng là sư phụ.

Bộ tranh thờ được lưu truyền nhiều đời của gia chủ, chỉ được mang ra sử dụng trong những nghi lễ quan trọng.

Khi đi mời thầy cả và thầy hai, người thụ lễ mang theo một ít muối được gói trong lá dong và một sợi chỉ đỏ (dành cho thầy cả) và sợi chỉ xanh hoặc trắng (dành cho thầy hai). Khi các thầy cúng đã nhận gói muối và sợi chỉ thì cũng có nghĩa là họ nhận lời thực hiện nghi lễ. Sau đó, cho dù gia đình có bất kỳ chuyện gì xảy ra (kể cả gia đình người thụ lễ có tang), họ vẫn không bỏ nhiệm vụ. Đối với 5 thầy cúng còn lại, người thụ lễ không cần phải mang theo muối mà chỉ đi mời. Nếu gia đình các thầy có tang hoặc chuyện không may thì người thụ lễ có thể mời thầy khác thay thế.

Người xin được cấp sắc phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ phải đặc biệt lưu ý phần mũ đội trên đầu, vì theo quan niệm nghi lễ đó là nơi thần linh trú ngụ trong mỗi người được cấp sắc. Đặc biệt với dân tộc Dao Lù Gang, người đã lập gia đình rồi mới làm lễ cấp sắc sẽ không được quan hệ vợ chồng trong thời gian một tháng. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra lễ cấp sắc của chồng, người vợ không được giao tiếp, không đứng gần chồng.

Khi thầy cúng đến nhà người xin cấp sắc, người thụ lễ phải rót rượu mời các thầy, việc nhận chén rượu cũng đồng nghĩa với việc nhận thực hiện nghi lễ. Trước khi làm lễ cúng, các thầy cúng phải tẩy uế nhà cửa của gia chủ, sau đó đánh một hồi trống mời tổ tiên người xin cấp sắc về dự. Thầy cúng làm lễ khai đàn nhằm báo cáo với tổ tiên biết lý do của buổi lễ.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ đi hình chữ chi trên những đồng xu.

Trong lễ cấp sắc này có nhiều nghi lễ diễn ra ở trong nhà và ở bên ngoài. Trong nhà sẽ diễn ra lễ truyền phép thông qua những nghi lễ trong sách Nôm Dao và thông qua các đạo cụ hành lễ như gậy, chiếu, dấu ấn, bọc gạo, nến… Trước đàn lễ, thầy cúng sau khi xin khấn sẽ xin âm dương với thần linh để người được cấp sắc chính thức được công nhận là người đã trưởng thành. Những lời cầu nguyện may mắn cho người được cấp sắc sẽ được viết ra giấy, gói lại và đốt sau lễ cấp sắc.

Lễ cấp sắc của người Dao Lù Gang có nhiều thang bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc thứ 2 là cấp 7 đèn và 72 binh mã (tùy điều kiện gia chủ có thể làm lễ gộp cấp 3 đèn và 7 đèn), bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã .

Lễ cấp sắc của người Dao Lù Gang thường kéo dài từ 1-5 ngày. Các nghi thức được tiến hành trong lễ này mang tính truyền thống dân tộc rất cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp. Khi thực hành nghi lễ, thầy cúng sẽ sử dụng tiếng Nôm Dao để truyền tải nhiều nội dung về truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh xa điều xấu, điều ác… cũng như ghi nhớ cội nguồn của tổ tiên, dân tộc.

Ngoài ra, người Dao nói chung và Dao Lù Gang nói riêng quan niệm lễ cấp sắc là dịp trọng đại của mỗi người đàn ông, là ngày vui của cộng đồng nên họ hàng và người thân của người thụ lễ thường tới dự. Nhiều gia đình có con em xin cấp sắc đã đi mời họ hàng, thân thích nhiều tháng trước khi nghi lễ diễn ra. Có thể nói lễ cấp sắc cũng là cách khiến cộng đồng người Dao trở nên gắn kết hơn.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nghi lễ cấp sắc đã có một số biến đổi. Tuy nhiên, nội dung chính và ý nghĩa của nó thì vẫn được bảo lưu, tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc Dao nói chung và người Dao Lù Gang nói riêng.

Phong Sơn - Minh Thư

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/gia-tri-nhan-van-trong-nghi-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-i721298/