Giá trị đồng nhân dân tệ chọc thủng ngưỡng tâm lý quan trọng

Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tiếp tục giảm trong phiên giao dịch hôm nay và đã chọc thủng ngưỡng quan trọng về mặt tâm lý, 7 NDT ăn một đô la Mỹ lần đầu tiên trong 2 năm. NDT suy giảm về mức thấp nhất trong 26 tháng do áp lực tăng giá của đô la Mỹ và kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về một đợt tăng lãi suất thậm chí còn quyết liệt hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Tỷ giá NDT ở thị trường trong nước Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng 7 ăn 1 đô la Mỹ trong phiên giao dịch hôm 16-9. Ảnh: Reuters

Kết thúc phiên giao dịch trong nước hôm 16-9, tỷ giá NDT giảm gần 3%, xuống mức 7,0166 ăn 1 đô la Mỹ, hòa nhịp với tốc độ giảm của tỷ giá NDT ở nước ngoài, vốn đã vượt qua ngưỡng 7 ăn 1 đô la Mỹ trong giờ châu Âu vào hôm 15-9.

NDT chỉ mới 2 lần chạm ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Việc NDT vượt qua mức này có thể gây ra lo ngại dòng vốn tháo chảy khỏi đất nước trong bối cảnh giới chức trách ở Bắc Kinh muốn huy động nguồn lực để vực dậy một nền kinh tế đang lao đao vì các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 và cơn khủng hoảng của thị trường bất động sản.

Trước khi thị trường mở cửa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức 6,9305 ăn 1 đô la Mỹ, thấp hơn 0,3% so với mức ấn định của ngày hôm trước là 6,9101 ăn 1 đô la Mỹ. Tuy nhiên, đây là phiên thứ 17 liên tiếp, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT mạnh hơn dự báo, một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách ổn định tiền tệ trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng tới.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho Bank, cho biết mức giảm khá lớn trong lần ấn định tỷ giá tham chiếu hôm nay cho thấy PBoC có thể đã cho phép NDT vượt qua mốc 7 ăn 1 đô la Mỹ. Ông cho rằng PBoC vẫn đang nỗ lực kìm hãm đà giảm giá của NDT.

Ông nói: “Miễn là tốc độ giảm giá của NDT không quá nhanh và vẫn trong tầm kiểm soát thì tình hình vẫn ổn”.

Một bản tin của Shanghai Securities News dẫn lời các chuyên gia cho rằng mức độ biến động mạnh của tỷ giá NDT đã trở nên bình thường trong những năm gần đây do các bất ổn gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong năm nay, NDT đã mất gần 10% giá trị so với đồng đô la Mỹ, dù so với tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc nó chỉ giảm khoảng 0,4%.

Một số nhà giao dịch tiền tệ cho biết đích đến tiếp theo của NDT là 7,1 đến 7,2 ăn 1 đô la Mỹ, trong khi ngưỡng 7 trở thành mức kháng cự, vì sức mạnh vượt trội của đồng đô la Mỹ trên thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục gây áp lực đối với hầu hết tiền tệ của các thị trường mới nổi.

Dữ liệu chính thức cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trong tháng thứ 7 liên tiếp do họ bi quan trước sự suy yếu của NDT và mức chênh lệch lợi suất ngày càng lớn so với trái phiếu chính phủ Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ trong tay để quản lý tiền tệ, bao gồm tăng chi phí đối với các nhà đầu tư đặt cược NDT giảm tiếp bằng cách sử dụng hợp đồng kỳ hạn, giảm lượng đô la Mỹ mà các ngân hàng cần dự trữ như đã làm hồi đầu tháng này, hoặc can thiệp trực tiếp bằng cách bán đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên, sức mạnh tương đối của NDT so với các đồng tiền khác trong khu vực có thể ngăn Trung Quốc sử dụng những công cụ đó. NDT đang giao dịch ở mức cao nhất trong 13 năm so với đồng won của Hàn Quốc và là mức cao nhất trong 29 năm so với đồng yen của Nhật Bản.

Brad Bechtel, Giám đốc ngoại hối toàn cầu ở Ngân hàng Jefferies, cho rằng ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ sẽ là ‘ranh giới đỏ’ đối với PBoC.

Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng RBC Capital Markets, cho rằng dù sức mạnh của đồng đô la Mỹ là lý do chính cho sự suy giảm của NDT, nhưng cũng hợp lý khi kỳ vọng NDT sẽ suy yếu hơn nữa trong bối cảnh các điều kiện kinh tế của Trung Quốc đang xấu đi.

“Thực tế là các nhà chức trách Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát Covid-19 kể từ mùa hè. Điều này là điềm báo xấu cho triển vọng kinh tế khi thời tiết lạnh hơn trong những tháng tới”, Alvin Tan nói và cho biết thêm rằng ngay cả xuất khẩu, điểm sáng quan trọng duy nhất của nền kinh tế Trung Quốc, cũng đang chịu áp lực.

Về mặt kinh tế, sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trong tháng 8, thúc đẩy đà phục hồi mong manh giữa lúc đất nước đang vật lộn chống chọi với các đợt bùng phát Covid-19 và đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong 60 năm. Song cơn suy thoái ngày càng trầm trọng của lĩnh vực bất động sản tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16-9 cho thấy trong tháng 8, giá nhà mới xây ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0,29% so với tháng 7, kéo dài đà giảm sang tháng thứ 12 liên tiếp.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty tư vấn Capital Economics, nói: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang ứng phó với những cản lực này bằng cách tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn. Nhưng chúng tôi không tin động thái đó đủ để khôi phục niềm tin và phục hồi nhu cầu tín dụng đang suy giảm. Do đó, xung lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ vẫn yếu cho đến năm 2023”.

Theo Reuters, Bloomberg, WSJ

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-tri-dong-nhan-dan-te-choc-thung-nguong-tam-ly-quan-trong/