Giá trị cầu thủ: Dần trở về giá trị thực

Nền bóng đá nghiệp dư những năm qua khoác áo chuyên nghiệp đã đẩy giá trị cầu thủ lên cao với đầy những ảo tưởng về khả năng và giá trị thật của mình. Chỉ đến khi khủng hoảng, hàng loạt ông bầu tìm cách tháo chạy, hàng loạt CLB biến mất đã đẩy hàng trăm cầu thủ nháo nhác đi tìm bến đỗ, thì giá trị thật sự của cầu thủ mới dần trở về đúng với năng lực của họ.

Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam trong những năm qua đã chứng kiến đủ những hỉ, nộ, ái, ố. Chuyện thay tên, đổi chủ, mua bán, sang nhượng suất chơi, thậm chí di dời hộ khẩu đã là chuyện thường ngày ở huyện. Vì vô vàn lý do khác nhau đã có 8 đội bóng không đăng ký tham gia V-League và giải hạng nhất quốc gia 2013. Hầu hết HLV, cầu thủ của những đội bóng này vẫn thất nghiệp, không ít những cầu thủ đã quyết định chấm dứt sự nghiệp sân cỏ, loay hoay đứng giữa những lựa chọn kiếm việc khác để làm, đi xuất khẩu lao động, kinh doanh hay ở nhà phụ giúp gia đình... Những đội bóng còn lại thì chật vật tìm đủ cách để tồn tại. Đa phần chọn phương án giảm lương, hạn chế mua cầu thủ để giảm tối đa các khoản phải chi.

Ở thời kỳ bóng đá Việt Nam phát triển nóng, những cuộc chuyển nhượng hay tiền lót tay bạc tỷ cùng với mức lương cao chót vót diễn ra như cơm bữa. Điển hình như chuyện Công Vinh được trả lót tay hơn chục tỷ đồng cùng mức lương tháng 60 triệu đồng để đến CLB của bầu Kiên. Hay như những người cũng có chút tên tuổi như Tấn Trường, Quang Hải… cũng đã có những cuộc chuyển nhượng lên tới con số gần chục tỷ. Do không có hệ thống đào tạo trẻ, lại muốn mau nổi tiếng nên những "ông bầu” sẵn sàng chi hàng chục tỉ đồng tiền lót tay và mức lương cao chót vót hàng chục triệu đồng mỗi tháng để lôi kéo các ngôi sao nội và tung hàng triệu đô để mua ngoại binh, treo thưởng hàng tỉ đồng cho mỗi trận thắng, vài chục triệu đồng cho mỗi bàn thắng... Các CLB nhỏ lại phải gồng mình chạy đua lo giữ cầu thủ chủ chốt của mình với những khoản chi không nhỏ. Thế là kinh phí cho các đội bóng cứ thế mà tăng theo cấp số nhân, mặc cho chất lượng chuyên môn thì dậm chân tại chỗ chứ không muốn nói là đi xuống.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, các cơ quan, xí nghiệp đa phần đều phải giảm lương, giảm thưởng để cân bằng thu chi để tồn tại. Bóng đá không nằm ngoài quy luật đó. Những ngôi sao từng có giá chuyển nhượng tới cả chục tỷ đồng, mức lương 50 - 60 triệu hàng tháng, đang đối mặt nguy cơ thất nghiệp và chưa biết được nơi mình sẽ được thi đấu trước mùa giải mới. Một số cầu thủ quen được mời chào tung hô sống trong giá trị ảo bao năm qua nay phải đối diện với sự thật: Người may mắn còn hợp đồng và được thi đấu cũng buộc phải chấp nhận giảm lương, thưởng nếu muốn ở lại.

Thời mà giới cầu thủ Việt và "cò” thay nhau lũng đoạn thị trường chuyển nhượng cầu thủ trong nước đã trở thành dĩ vãng khi mà các CLB đang phải thắt lưng buộc bụng tối đa mới mong tồn tại. Và bản thân các cầu thủ cũng đã hiểu rằng muốn còn được chơi bóng, có thu nhập thì họ phải trở về sống với thực tế giá trị của mình. Và họ hiểu rằng nghề cầu thủ vẫn là nghề đáng mơ ước bởi tuy lương, thưởng có cắt giảm so với trước thì vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội.

Khánh Vy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60372&menu=1424&style=1