Giá trâu bò liên tục giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá trâu, bò liên tục giảm mạnh, thị trường đầu ra bấp bênh và thiếu ổn định khiến người chăn nuôi chịu cảnh thua lỗ nặng nề.

Theo ghi nhận, từ khoảng cuối năm 2021, giá trâu, bò hơi đã bắt đầu giảm mạnh. Cụ thể giá bò hơi ở mức 55.000 đồng - 70.000 đồng/kg (tùy theo từng giống bò), giá trâu ở mức 60.000 đồng - 65.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với những năm trước đó.

Mức giá này được duy trì từ cuối năm 2021 đến nay. Trong khi đó, giá thức ăn tăng cao khiến người nuôi không có lãi, thậm chí là thua lỗ kéo dài.

Các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ trâu, bò gặp nhiều khó khăn; đầu ra sản phẩm lại không ổn định khiến cho thịt trâu, bò khó tiêu thụ.

Mặc dù chăn nuôi trâu bò từng giúp gia đình ông Trần Xuân Tùng (xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) thoát nghèo nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, ông Tùng chỉ dám nuôi cầm chừng 2-3 con hay vì nuôi cả đàn 8-10 như trước.

Trước đây, để nuôi trâu bò, ông Tùng đã vay vốn nhà nước để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Thời điểm xuất những lứa bò đầu tiên, giá bò hơi từ 100.000 đồng - 110.000 đồng/kg giúp ông lãi cả trăm triệu đồng một lứa.

Tuy nhiên, sau khi giá lợn hơi liên tục chạm đáy, ông Tùng đã phải bán hơn một nửa số bò do càng nuôi nhiều, càng dễ thua lỗ.

“Trung bình trước đây, 1 con bò trưởng thành bán ra được 26 triệu đến 30 triệu đồng nhưng nay chỉ còn 14 triệu đến 16 triệu đồng. Nếu trừ chi phí chăn nuôi, với giá như hiện nay người chăn nuôi không có lãi, thậm chí là lỗ” - ông Tùng chia sẻ.

Tương tự, hộ gia đình bà Đặng Thị Nhài (xã Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An) cũng phải “bán chạy” 12 con trâu, tránh tình trạng thua lỗ nặng nề hơn để chờ thị trường phục hồi.

Bà Nhài tính toán, với mức giá như hiện nay, trừ tiền công, tiền mua giống, chi phí thức ăn, lãi ngân hàng vay vốn mua trâu, trung bình bán một con trâu lỗ từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Người chăn nuôi lâm vào cảnh, bán không được, không bán cũng chẳng xong.

“Tôi phải tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ đàn trâu như rơm rạ, cỏ trồng tại vườn. Lượng cám cũng được cắt giảm gần một nửa để giảm thiểu thua lỗ. Nếu cứ như tình hình hiện nay, việc tái đàn là điều hết sức khó khăn” - bà Nhài chia sẻ.

Người chăn nuôi chỉ dám nuôi cầm chừng, chờ thị trường phục hồi.

Đáng chú ý, dù giá trâu bò đã giảm mạnh nhưng thương lái không mua ồ ạt như trước đây nên người chăn nuôi rất khó tìm đầu ra tiêu thụ. Tuy nhiên, nghịch lý giá thịt vẫn ở mức cao, khoảng 190.000 đồng - 210.000 đồng/kg.

Theo bà Nhài, giá trâu bò giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc đóng băng, không nhập khẩu ồ ạt. Ngoài ra, trâu bò nội địa còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu u, đặc biệt là Thái Lan xuất vào thị trường Việt Nam.

Theo Cục Chăn nuôi, trong nửa cuối năm 2023, ngành chăn nuôi sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò tiếp tục theo dõi thị trường; không nên tăng đàn trong thời điểm này nhưng cũng không nên giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy; chủ động phòng, chống dịch để không bị thiệt hại do dịch bệnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-trau-bo-lien-tuc-giam-sau-nguoi-chan-nuoi-thua-lo-post260784.html