Gia tăng tình trạng mắc cúm A ở trẻ em

Trong vài tuần trở lại đây ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh, nhiều gia đình đưa trẻ đến khám với các biểu hiện sốt cao, ho, đau họng… và được xét nghiệm, chẩn đoán mắc cúm A. Đây là bệnh do virus gây nên và dễ phát sinh thành dịch.

Thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Thời tiết các tỉnh miền Bắc những ngày vừa qua thay đổi thất thường là điều kiện thích hợp cho các mầm bệnh, trong đó có cúm A phát triển mạnh. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Gia Viễn, ghi nhận từ tháng 12/2023 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám và điều trị cúm A gia tăng, ngày nào cũng có các trường hợp người nhà đưa con em vào khám, điều trị. Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Gia Hòa) cho biết: Con gái tôi học lớp 1, mấy ngày qua về nhà cháu có biểu hiện ho, đau họng rồi sốt nên gia đình đã tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Nhưng sau mấy ngày bệnh tình của con không thuyên giảm, sốt cao kéo dài nên gia đình vội đưa con vào Trung tâm Y tế huyện khám và điều trị. Theo phác đồ điều trị của bác sỹ, các triệu chứng của cúm A giảm dần, cháu cắt sốt…

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây gia tăng nhanh trong vài tuần gần đây. Khoa đang điều trị cho gần 40 bệnh nhi. Trung bình từ tháng 11, 12/2023, Khoa đón tiếp và điều trị cho trên 400 bệnh nhi/tháng, từ đầu tháng 1/2024 đến nay mỗi ngày Khoa điều trị cho từ 25-30 bệnh nhi, trong đó 2/3 là bệnh nhân mắc cúm A.

Tại các phòng bệnh của Khoa hầu hết đều kín bệnh nhân, trong đó phần lớn là bệnh nhi nhỏ tuổi, từ 1-3 tuổi nên việc chăm sóc con những ngày điều trị trong viện tương đối vất vả với các bậc phụ huynh. Hỏi chuyện Anh Nguyễn Công Mạnh (Ý Yên, Nam Định), bố của bệnh nhi Nguyễn Tuấn Khang, 2,5 tuổi được biết: Trong gia đình có ông bà mắc cúm nên cháu đã bị lây, thêm nữa khi đến lớp cũng có những bạn mắc cúm, bố mẹ cũng chủ quan nên không cho con nghỉ học, đến khi cháu có các triệu chứng của cúm A mới đưa con vào viện. Được bác sỹ giải thích, hướng dẫn, gia đình tôi mới hiểu rõ cúm A có các chủng virus rất dễ lây lan, nhất là qua đường giọt bắn như ho, hắt hơi, nói chuyện…

Bệnh nhi đến khám và điều trị cúm A tại Trung tâm Y tế Gia Viễn. Ảnh: Minh Quang

Trao đổi với Bác sỹ Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh được biết: Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều trong tình trạng sốt cao, sốt kéo dài, thậm chí có những bệnh nhân có tình trạng co giật, ho khò khè kèm theo những biến chứng của cúm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp. Khi tiếp nhận các bệnh nhân mắc cúm, bác sỹ phải xử lý để hạ sốt cho bệnh nhân, sử dụng kết hợp các loại thuốc. Tùy từng tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sỹ có phác đồ điều trị và dự phòng khác nhau. Như trường hợp cúm gây biến chứng viêm phổi phải sử dụng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp như thở khí rung hoặc vỗ rung… Thông thường, các trường hợp cúm đơn thuần, điều trị khoảng 3 ngày là ra viện; trường hợp cúm có bội nhiễm phải điều trị từ 7- 10 ngày…

Bác sỹ Trần Văn Thiện, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 9.338 trường hợp mắc cúm; từ đầu tháng 1/2023 đến nay đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc cúm. Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như H1N1, H5N7, H7N9… gây nên. Những chủng virus này rất dễ lây lan nên dễ phát sinh thành dịch. Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi… Do đó, con đường lây truyền phổ biến nhất của cúm A là qua đường giọt bắn. .

Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, với các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường. Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm A do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Khi bị cúm A, trẻ thường có các triệu chứng như: Sốt cao, nhức đầu, mỏi cơ, ho, lười vận động, chảy nước mũi, hắt hơi… Một số trường hợp trẻ có thể bị sốt cao kèm theo co giật.

Tùy theo cơ địa cũng như sức khỏe của từng trẻ, cúm A sẽ có những biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Nhiều trường hợp trẻ chỉ có biểu hiện như cúm thông thường, nên cha mẹ chủ quan không điều trị sớm, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, cúm A ở trẻ nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng khác như: Viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, nhiễm khuẩn thứ phát, viêm cơ tim… Những biến chứng này đều nguy hiểm, nên cần được phát hiện và can thiệp sớm để ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.

Bác sỹ Trần Văn Thiện cũng đưa ra khuyến cáo: Để phòng ngừa cúm A, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine cúm đầy đủ mỗi năm để ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Trước tình trạng dịch cúm A đang gia tăng, các bậc phụ huynh phải có các biện pháp phòng cúm như: hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, tránh tụ tập, hạn chế tiếp xúc với các trường hợp có các triệu chứng như sốt, hắt hơi, chảy mũi, ho… Có các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ.

Đặc biệt, do cúm A là dịch bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch và biến chứng bội nhiễm sau cúm nên các bậc phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng tích cực cho trẻ như: ăn chín, uống sôi, bổ sung nhiều vitamin như trái cây theo mùa để hạn chế tình trạng biến chứng sau cúm.

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-tang-tinh-trang-mac-cum-a-o-tre-em/d20240111212750978.htm